3 Hiệu Ứng Tâm Lý Khiến Bạn Khó Vứt Bỏ Đồ Đạc Cũ

Hãy dành chút thời gian để suy nghĩ về những vật dụng bạn ít khi dùng tới, từ nội thất, quần áo, đồ điện, đồ làm bếp, vật dụng trang trí cho tới những thứ lặt vặt khác. Bạn đang …

Hãy dành chút thời gian để suy nghĩ về những vật dụng bạn ít khi dùng tới, từ nội thất, quần áo, đồ điện, đồ làm bếp, vật dụng trang trí cho tới những thứ lặt vặt khác. Bạn đang có bao nhiêu đồ thừa thãi?

Đa số câu trả lời sẽ là “rất nhiều”. Không phải ngẫu nhiên mà cuốn sách “Phép Màu Từ Việc Dọn Dẹp” của Marie Kondo lại được mọi người đón nhận đến thế. Cuốn sách đã cho chúng ta thấy rằng việc từ bỏ những đồ dùng thừa là một trải nghiệm tích cực đối. Nhưng, dù đa số cảm thấy vui vẻ sau khi dọn dẹp và đơn giản hoá đồ đạc, nhiều người vẫn cảm thấy thật khó khăn để từ bỏ những vật dụng đó.

Tại sao não bộ chúng ta lại cứng đầu chống lại việc cho, bán hay vứt đi những thứ không cần thiết đến vậy? Sự gắn bó về mặt cảm xúc chắc chắn đóng vai trò lớn trong hiện tượng này. Dù luôn có những tính toán chính đáng về tài chính khi chúng ta bỏ đi thứ gì đó và sau đó phải bỏ tiền ra mua lại thứ khác, chúng ta vẫn vô tình trở thành nạn nhân của cạm bẫy nhận thức, khiến ta không thể quyết định xem thứ gì thực sự đáng giữ lại.

Dưới đây là ba hiệu ứng tâm lý có thể giải thích được sự khó khăn trong việc loại bỏ đồ đạc cũ, và một số mẹo chúng ta có thể áp dụng để việc dọn dẹp trở nên dễ dàng hơn.

1. Hiệu ứng sở hữu: Chúng ta định giá quá cao tài sản của mình.

Hiệu ứng sở hữu là khái niệm đề cập đến một khuynh hướng cảm xúc khiến chúng ta định giá đồ đạc của mình cao hơn so với giá trị thị trường của nó.

Trong một thí nghiệm nổi tiếng, các nhà nghiên cứu đã đưa một số sinh viên đại học những chiếc cốc cà phê và cho họ một cơ hội để bán những chiếc cốc đó cho các sinh viên khác. Chủ nhân mới của những chiếc cốc này định giá món quà của họ cao hơn rất nhiều so với những người không sở hữu chúng, đưa ra giá bán cao gần gấp đôi so với những gì khách hàng chịu chi trả. 

Rất dễ để thấy ảnh hưởng của hiệu ứng này trong cuộc sống của chúng ta, khiến chúng ta níu giữ những vật dụng cá nhân của mình chỉ bởi vì ta sở hữu chúng. Điều tích cực là khi bạn nắm được cách hiệu ứng này hoạt động, nó hoá ra có thể khiến việc bỏ đi những thứ không cần thiết trở nên dễ dàng hơn. Ở bước đầu, hãy thực hiện một thí nghiệm đơn giản trong đầu: Nhìn vào một vài thứ bạn đang sở hữu và tự hỏi xem bạn sẽ bán chúng với giá bao nhiêu. Giờ thì suy nghĩ xem bạn sẽ chịu bỏ ra bao nhiêu để mua chúng. Sự khác biệt có thể làm bạn bất ngờ, và đó là một cách hữu hiệu có thể giúp bạn bỏ đi những vật dụng không còn quan trọng.


2. Nguỵ biện chi phí chìm: Chúng ta giữ lại những thứ mình không dùng đến để đỡ cảm thấy lãng phí.

Tưởng tượng rằng bạn vừa mua một vài sản phẩm chăm sóc cá nhân đắt tiền rồi trở về nhà dùng thử để nhận ra rằng bạn thực sự ghét chúng. Sản phẩm không thể đổi trả. Bạn nên đem cho ai đó nhưng một phần nào đó trong bạn vẫn thuyết phục rằng vì cái giá đắt đỏ đó, hãy cứ giữ lại phòng khi cần đến. Năm tháng trôi qua và những món đồ ấy vẫn nằm nguyên trên giá nhưng không được dùng đến lần nào nữa.

Đây là một ví dụ tiêu biểu cho hiện tượng nguỵ biện chi phí chìm – chúng ta không thể nhận ra rằng một số khoản tiền đơn giản là đã mất vĩnh viễn, không thể nào thu hồi được. Trong trường hợp này, không có cách nào để lấy lại khoản tiền bạn đã chi trả cho chỗ sản phẩm đó. Tuy nhiên thay vì bỏ và quên chúng đi, bạn lại giữ chúng lại để “ngụy biện” rằng bạn không hề lãng phí.

Bằng cách hiểu rõ hơn về những khoản chi phí chìm, chúng ta có thể bỏ đi những tài sản đắt tiền hoặc khó kiếm một cách dễ dàng hơn. Vấn đề then chốt là chấp nhận được rằng khoản tiền, thời gian hay bất kỳ nguồn tài nguyên nào khác mà chúng ta mất công bỏ ra để có được những đồ vật đó đã mất đi mãi mãi.

Hãy gạt những giá trị đó qua một bên và xác định xem đồ đạc còn bất cứ lý do nào khác để giữ lại hay không. Nếu câu trả lời là không, có lẽ đã đến lúc phải bỏ chúng đi rồi.

3. Hiệu ứng IKEA: Chúng ta thường coi trọng những thứ mà ta góp phần tạo nên.

Là một trong những thiên kiến nhận thức có cái tên hay nhất, hiệu ứng IKEA nói đến khuynh hướng đề cao giá trị những thứ chúng ta góp phần tạo nên và có liên hệ với “nguỵ biện chi phí chìm” đã đề cập phía trên. Trong một thí nghiệm khác, các nhà nghiên cứu để những người tham gia lắp ghép một món đồ nội thất IKEA. Sau khi món đồ được hoàn thành, những người tham gia đều sẵn lòng trả khoản tiền cao hơn để mua lại món đồ mà mình đã tự lắp đặt so với cũng món đồ đó nhưng được lắp bởi người khác.

Sự tương quan của kết quả là rất rõ ràng đối với những ai đã hoặc đang sở hữu một món đồ nội thất của IKEA, nhưng nó cũng rất quan trọng đối với những người khác. Mấu chốt là chúng ta thường đánh giá cao những thứ ta tự tay tạo nên. Điều này có thể đem lại cho chúng ta rắc rối nếu chúng ta liên tục sửa chữa hay chắp vá đồ dùng của mình khi mà giải pháp tốt nhất có lẽ là bỏ chúng đi.

Rõ ràng là, không có lý do gì để vứt bỏ hết tất cả những thứ bạn từng gắn bó hay dành nhiều tâm huyết và thời gian để tạo nên. Tiếc nuối là một cảm xúc tự nhiên và tự hào về thành quả của mình là một điều tốt. Nhưng nếu không chủ động kiểm soát, bạn có bị mắc kẹt với việc níu giữ những món đồ thừa thãi. Hãy chắc chắn rằng bạn đang giữ thứ gì đó vì nó thực sự có một vai trò nhất định trong cuộc sống chứ không phải do những hiệu ứng tâm lý khống chế bạn quá mức.


Dịch: #Zealous

Biên tập: Mai

Nguồn ảnh: Pinterest

Nguồn bài: https://www.psychologytoday.com

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan