7 cách để hiểu thêm về bản thân bạn

"Khi chỉ có chúng ta và suy nghĩ, cảm xúc của riêng mình, rất có thể những suy nghĩ, cảm xúc đó sẽ dẫn ta đến những nơi ta không muốn.”



Rất nhiều người không thể nào chịu được việc một mình với bản thân họ. Thế nên chúng ta làm bạn với rượu khi không có ai ở nhà. Thế nên chúng ta chẳng muốn ở nhà với bản thân mình. Thế nên chúng ta giữ mình bận rộn. Thế nên chúng ta lạm dụng các chất gây nghiện, miễn là không phải nghĩ hay suy hay bất cứ điều gì với chính mình.


Cũng như lời của bác sĩ tâm lý Carolyn Ferreira: "Khi chỉ có chúng ta và suy nghĩ, cảm xúc của riêng mình, rất có thể những suy nghĩ, cảm xúc đó sẽ dẫn ta đến những nơi ta không muốn.”


Nơi đó có thể là một mâu thuẫn công sở, một mối quan hệ trắc trở, một ký ức tồi tệ. Ta có lẽ sẽ nhận ra mình chán ghét việc hẹn hò với người tình hiện tại. Ta có thể sẽ nhận ra mình cần phải tìm kiếm một nghề nghiệp khác. Ý thức được những suy nghĩ trên đồng nghĩa với việc chúng ta cần phải thay đổi - với chính bản thân mình hay hoàn cảnh sống, và những thay đổi này có thể sẽ không dễ dàng chút nào cả, nhà tâm lý học Christine Selby chia sẻ.


Nhiều người trong chúng ta vốn đơn giản không được “lập trình” với việc một mình. Hơn 50% dân số là những người hướng ngoại, những người “hấp thu năng lượng về mặt tâm lý khi ở cạnh người khác”. Với họ “buộc phải ở một mình với suy nghĩ và cảm xúc của chính mình là thứ gì đó thật xa lạ và mệt mỏi, vì thế họ tìm kiếm sự tương tác với người khác ngay khi có thể.”


Dĩ nhiên là đôi lúc việc đánh lạc hướng bản thân là cần thiết và hoàn toàn OK. Cứ mãi với những suy nghĩ và cảm xúc của mình trong một thời gian dài có thể làm bạn kiệt sức, Selby nói. Dù thế, đánh lạc hướng bản thân với những thứ không lành mạnh chỉ tạo thêm vấn đề mà thôi.


Thật may mắn là có những cách lành mạnh để bạn làm quen với chính bản thân mình, để thoải mái hơn khi chỉ có bạn và bản thân mà thôi. Dưới đây là 7 đề xuất của Ferreira và Selby.


Bạn có xu hướng nội hay hướng ngoại?


Hiểu được điều này sẽ giúp bạn thấu hiểu bản thân mình hơn và vì sao lại khó hơn cho bạn khi ở một mình với suy nghĩ của bạn, Selby- người đồng sáng lập của  Selby Psychological Services tại Bangor, Maine chia sẻ. Bạn có thể làm một bài trắc nghiệm online, hoặc đơn giản hơn là ngẫm nghĩ xem, thứ nhất, bạn có “cần” ở bên cạnh những người khác và thứ hai, bạn cảm thấy có nhiều hoặc ít năng lượng hơn sau khi có mặt với một nhóm đông người.


“Người hướng ngoại sẽ cảm thấy có nhiều năng lượng và thích thú hơn với nhịp có đông người; người hướng nội sẽ thấy mệt mỏi và cần có thời gian một mình để nạp lại năng lượng để chuẩn bị cho những gặp gỡ tiếp theo.”

Thoải mái khi ở một mình


Selby đề xuất hãy đặt đồng hồ trong 5 phút hoặc ít hơn (nếu việc ở một mình làm bạn không dễ chịu tí nào). Hít vào thật sâu. Nếu môi trường xung quanh gây sự mất tập trung, hãy nhắm mắt lại. Hoặc cứ nhìn xem và suy ngẫm về những gì xung quanh mình. Làm việc này một tuần một lần hoặc hằng ngày. “Mục đích chính là để thử nghiệm và bắt đầu với những gì bạn thấy thoải mái nhất.


Chiêm nghiệm với chính mình


Theo Selby, quá trình một mình với bản thân, với suy nghĩ và cảm xúc, bản thân nó là một cơ hội để chiêm nghiệm lại chính mình. Cô gợi ý ngẫm nghĩ những câu hỏi như: “Bạn cảm thấy việc này ra sao? Nó khó đến mức nào để bạn thấy thoải mái với quá trình này? Bạn nghĩ vì sao nó lại khó chịu? Có phải thử nghiệm này đã trở thành một sự đánh lạc hướng với bạn? Tại sao lại như thế?


Selby cũng lưu ý rằng đừng biến việc này thành một buổi tra khảo. Bạn chỉ cần nghĩ xem “vì sao mình lại cảm thấy những gì đang trải qua ở đây”. Có thể bạn sẽ không có câu trả lời và chuyện đó không sao cả. “Việc đặt câu hỏi chính là một phần của việc tự chiêm nghiệm bản thân mình.”


Chiêm nghiệm chứ không phán xét 


Một trong những điều khó nhất trong việc suy ngẫm về chính mình chính là tránh việc chỉ trích bản thân.” Selby, tác giả của cuốn Chilling Out: The Psychology of Relaxation nói. Ta có thể sẽ gạt bỏ hết suy nghĩ và cảm xúc của mình vì ta nghĩ rằng, chúng là sai trái.


Selby và Ferreira đều nhấn mạnh sự quan trọng của cho phép bản thân chúng ta để ngẫm nghĩ và chấp nhận bất kỳ cảm xúc nào đến với mình. Vì khi chúng ta chối bỏ cảm xúc và suy nghĩ của mình ngay khi đó, ta cũng đã xóa đi cơ hội để học hỏi và thay đổi, Selby nói.


Nếu bạn nhận ra mình đang phán xét bản thân mình, Selby gợi ý rằng hãy nhẹ nhàng đặt câu hỏi:” Tại sao mình lại chỉ trích những cảm xúc và suy nghĩ mình vừa trải qua? Có việc gì sai với chúng chứ?”


Kết nối với người khác

Kết nối với người khác có thể khiến bạn thêm thoải mái với bản thân mình hơn, Ferreira, người chuyên về chứng trầm cảm, lo âu, vấn đề trong quan hệ và tư vấn cho các cựu chiến binh, gia đình quân đội tại Bend, Ore chia sẻ.


Phần lớn bệnh nhân của cô là những cựu chiến binh với hội chứng PTSD. Họ “cảm thấy lạc lõng với chính bản thân mình khi họ nghĩ về những gì họ trải qua trong quân đội cũng như khi họ tiếp xúc với những người khác.” Giữ liên lạc với những cựu chiến binh khác khiến họ yên lòng hơn vì họ biết có những người khác hiểu cảm giác và suy nghĩ của mình. Còn bạn, bạn có thể kết nối với những ai?


Không so sánh bản thân với người khác


Điều này có nghĩa là thay đổi từ “Mình không đủ tốt” đến “Mình ổn với bản thân hiện tại”, Ferreira nói. Đương nhiên là việc này không hề dễ dàng tí nào. Khi các bệnh nhân của Ferreira so sánh họ với người khác, cô hướng họ đến những câu hỏi để đánh giá mà bạn cũng có thể tham khảo như: “Việc so sánh bạn với người này giúp bạn tiến lên hay thụt lùi lại với mục tiêu của mình?” Mục đích của việc so sánh bản thân với người này? Ai sẽ được lợi? Nó có ích gì cho bạn?”


Sẽ có lúc so sánh bản thân mình cho chúng ta động lực để trở nên tốt hơn, cô nói. Nhưng “phần lớn, ta lại chỉ trở về chỉ trích bản thân mình vì chúng ta không phải là một ai đó.”


Hòa mình với thiên nhiên


Suy nghĩ về bản thân không chỉ là giữ mình lại trong căn nhà của bạn. “Bệnh nhân của tôi thường nói rằng họ thấy thoải mái với bản thân mình nhất khi ở bên ngoài, trong tự nhiên”, Ferreira nói. Hãy làm một chuyến leo núi để chiêm nghiệm suy nghĩ, cảm xúc của mình cũng như khám phá ngọn núi. Ngồi trên bãi biển với nhật ký của mình, ngẫm thật kỹ những gì đang xảy đến trong đầu mình và ngắm nhìn những ngọn sóng. Dạo một vòng công viên và quan sát những gì xung quanh bạn, những người khác và cả cảm xúc của riêng mình.


Ngồi yên đó và đối mặt với những suy nghĩ, cảm xúc của chính mình có thể sẽ rất khó khăn. Nó có thể trở nên ngượng ngạo. Nó có thể trở thành nỗi đau. Nhưng nó cũng giúp chúng ta thêm hiểu mình và những gì mình cần. Nó tạo nên bước đầu tiên cho việc xây dựng một cuộc sống ý nghĩa, và đó là thứ mà chúng ta có thể tập làm quen.



Nguồn: https://psychcentral.com/blog/7-ways-to-become-more-comfortable-being-with-ourselves/

Biên dịch: Mai Nhi



BẢN THẢO
Bài viết liên quan