7 dấu hiệu của một tình yêu độc hại

“Đôi khi trái tim bạn cần thời gian để chấp nhận những gì tâm trí bạn đã biết.” - Paulo Coelho

Những tâm hồn đang lạc lối trong những góc tối tình yêu có lẽ đã và đang tìm thấy bản thân trong lời suy ngẫm của Paulo Coelho thuở trước: “Đôi khi trái tim bạn cần thời gian để chấp nhận những gì tâm trí bạn đã biết”. Mặc dù lời khuyên ấy của tiểu thuyết gia người Brazil chỉ là những chiêm nghiệm khái quát về giây phút chia tay, nhưng con người vẫn tìm thấy ở đó một hiện thực đúng đắn. Không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhận ra tình yêu mà ai đó từng dành cho chúng ta đã trở nên độc hại. Những hạt mầm nhen nhúm ngày qua ngày, những dấu hiệu ngày càng rõ rệt trong tâm trí chúng ta, cho tới khi chúng ta tự hỏi và nhận ra bản thân mình xứng đáng với những điều tốt hơn như thế. Nhưng cuối cùng, ta chọn ở lại, vì việc buông bỏ thật không hề dễ dàng chút nào.


Chúng ta, vì vậy, bắt đầu tự bào chữa cho đối phương với những lý do như: “Hẳn là anh ấy đã có một ngày mệt mỏi”, hoặc “Cô ấy có lẽ không có ý như vậy." Suy cho cùng, tất cả chúng ta đón nhận và bày tỏ tình yêu theo những cách khác nhau bởi chúng ta đều có nhu cầu, giá trị và lý tưởng khác nhau. Tuy nhiên, con người cần phân biệt giữa hai khái niệm: giữa mức độ xung đột lành mạnh mà tất cả các cặp đôi đều phải trải qua và những dấu hiệu cảnh báo của một mối quan hệ độc hại.


1. Họ ghen tuông và có tính chiếm hữu một cách phi lý.

Hầu hết mọi người có xu hướng quan niệm sai lầm rằng sự ghen tuông của đối phương thực chất là một dấu hiệu cho thấy mức độ quan tâm của họ đối với bạn. Ghen là một cảm xúc hoàn toàn bình thường mà đôi khi một người sẽ trải qua, nó có thể bắt nguồn từ nỗi sợ đánh mất bạn đời hay người thương của bạn. Tuy vậy, hãy cẩn thận, đừng lãng mạn hóa nó quá mức. Khi đối phương bắt đầu ghen tuông vô lý và chiếm hữu bạn mọi lúc thì điều đó có nghĩa là họ coi bạn như tài sản của họ hơn là chính con người bạn (Sharpsteen & Kirkpatrick, 1997) - và điều đó rất độc hại!


2. Họ gây hấn thụ động với bạn.

Người thương của bạn có thường nói rằng bạn có thể làm gì đó (ví dụ như đi chơi với bạn bè thay vì họ), sau đó bị tổn thương hay khó chịu khi bạn nghe lời họ không? Họ có tha thứ cho lỗi lầm của bạn để rồi lại chỉ trích bạn bất cứ khi nào hai người có bất đồng không? Hay sử dụng các chiến thuật như chiến tranh lạnh, rút ​​lại tình cảm của họ hoặc đối xử với bạn bằng những lời mỉa mai thay vì thực sự nói cho bạn biết đang có chuyện gì? Những hành vi gây hấn thụ động như vậy không chỉ mang tính thao túng và kiểm soát; chúng còn cho thấy rằng bạn đời của bạn có thể thiếu sự trưởng thành về cảm xúc và các kỹ năng giao tiếp cần thiết để có được một mối quan hệ bền chặt và lâu dài.


Photo by Priscilla Du Preez on Unsplash


3. Họ có vấn đề với sự phụ thuộc lẫn nhau.

Mối quan hệ phụ thuộc được định nghĩa là “một mối quan hệ rối loạn được đặc trưng bởi sự thiếu ranh giới, thường nảy sinh từ sự sợ hãi bị bỏ rơi tột độ của một người” (Hoenigmann-Lion & Whitehead, 2007). Ở trong một mối quan hệ phụ thuộc sẽ làm bạn kiệt quệ cảm xúc, tổn hại đến lòng tự trọng và ý thức về bản sắc của bạn. Sự phụ thuộc có nghĩa là bạn luôn phải cứu đối phương khỏi chính họ, giải quyết tất cả các vấn đề của họ và đáp ứng mọi yêu cầu của họ mà không nhận lại được bất cứ điều gì.


4. Có sự chênh lệch về quyền lực.

Cho dù một người giỏi trong việc khiến bạn tin họ yêu bạn đến mức nào - có thể là bằng những món quà xa hoa, những lời hoa mỹ hay những cử chỉ hoành tráng - nếu họ liên tục kỳ vọng bạn ưu tiên những mong muốn và nhu cầu của họ hơn của bạn, thì họ không thật sự yêu bạn. Họ chỉ thích kiểm soát bạn mà thôi. Họ thích là người có tiếng nói trong mọi việc bạn làm, người đưa ra mọi quyết định thay bạn và xác định điều gì là tốt nhất cho bạn (Solferino & Tessitore, 2019). Vì vậy, nếu bạn cảm thấy đối phương không tôn trọng hay không trân trọng mình, như thể bạn không thực sự có chút quyền lực nào trong mối quan hệ, thì hãy coi chừng! Những người như vậy rất độc hại với bạn!


Photo by Aarón Blanco Tejedor on Unsplash


5. Bạn luôn chìm trong cảm giác tiêu cực.

Có thể bạn đang tự hỏi, “Tại sao người ta lại muốn ở trong một mối quan hệ làm họ luôn cảm thấy tồi tệ? Sao họ không rời đi chứ?” Nhưng thực tế gần như chẳng bao giờ đơn giản như vậy nhỉ? Các mối quan hệ độc hại hiếm khi bắt đầu một cách rõ ràng; hầu hết mọi người thậm chí không để ý mọi chuyện trở nên độc hại từ lúc nào, đến thời điểm họ nhận ra thì họ đã yêu và gắn bó với đối phương quá nhiều để có thể kết thúc ngay mối quan hệ. Nhưng đừng mắc sai lầm, nếu bạn đời/ người thương luôn khiến bạn cảm thấy tồi tệ và trong mối quan hệ của hai bạn luôn có “sóng gió”, thì chắc chắn “tình yêu” của họ dành cho bạn rất độc hại.


6. Bạn đánh mất bản thân trong mối quan hệ.

Dù việc coi ai đó là “cả thế giới” và chìm đắm trong mối quan hệ với họ có vẻ lãng mạn, chúng ta nên nhớ rằng cam kết với người thương của mình không đồng nghĩa với từ bỏ ý thức về bản sắc và cá nhân của chính mình vì lợi ích của mối quan hệ. Chúng ta không bao giờ được phép để bất cứ ai lấn át mình đến mức đành phải thỏa hiệp và thay đổi bản thân quá nhiều chỉ để làm hài lòng họ giữ cho mối quan hệ tiếp tục (Schumm, 2004).


Photo by Kelly Sikkema on Unsplash


7. Bạn lý tưởng hóa đối phương quá mức.

Cuối cùng, nhưng chắc chắn không kém phần quan trọng, chúng tôi phải cảnh báo bạn về những nguy cơ tiềm ẩn khi ở bên một người lý tưởng hóa bạn quá mức và cách mà điều đó có thể nhanh chóng trở nên độc hại, cho dù thoạt đầu nó có vẻ vô cùng tâng bốc và lãng mạn. Không có gì phá hủy một mối quan hệ nhanh hơn việc lý tưởng hóa nhau quá mức, không cho nhau quyền tự do thiếu sót và mắc sai lầm. Vô hình trung, điều này gây ra gánh nặng bởi những kỳ vọng cao đến mức không thực tế. Bởi vì, suy cho cùng, điều đó có nghĩa là họ không yêu bạn - họ yêu phiên bản thậm chí còn không tồn tại của bạn, một phiên bản hoàn hảo ở mức mà bạn không bao giờ có thể đạt tới.


Vậy, bạn có đồng ý với những điều chúng tôi đã đề cập trong bài viết này không? Bạn có nghĩ rằng ai đó trong cuộc đời của bạn đang yêu bạn một cách độc hại không? Nếu có thì chúng tôi rất mong bạn hãy cân nhắc những ưu nhược điểm giữa việc cố gắng hàn gắn mọi thứ với người ấy hoặc tránh xa họ hoàn toàn vì lợi ích tinh thần và cảm xúc của bản thân. Và nếu bạn đang vật lộn với việc ở trong một mối quan hệ độc hại, đừng ngần ngại liên hệ với chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm lý ngay hôm nay để nhận được sự trợ giúp bạn cần.


---

Dịch bởi: Stew

Biên tập: Rabbie

Ảnh bìa: Photo by Camden & Hailey George on Unsplash

Nguồn bài gốc: 7 Signs Someone “Loves” You, But It’s Toxic. Psych2Go. (2021). Retrieved from https://psych2go.net/7-signs-someone-loves-you-but-its-toxic/.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan