7 Điều Tuyệt Đối Không Nên Làm Khi Trầm Cảm

Bạn đã từng bị trầm cảm hoặc thật sự nghi ngờ bản thân mình mắc phải nó? Ngay lúc này liệu người thân thiết bên cạnh bạn có đang phải đấu tranh với nó hay không? Dù câu trả lời …

Bạn đã từng bị trầm cảm hoặc thật sự nghi ngờ bản thân mình mắc phải nó? Ngay lúc này liệu người thân thiết bên cạnh bạn có đang phải đấu tranh với nó hay không?

Dù câu trả lời là có hay không thì việc bạn trang bị cho mình những kiến thức về bệnh trầm cảm vẫn rất quan trọng. Có rất nhiều tư tưởng hạn hẹp và quan niệm sai lầm xung quanh căn bệnh trầm cảm, nhưng với việc tìm hiểu và cố gắng thấu hiểu nó, bạn cùng lòng trắc ẩn của mình sẽ có cơ hội giúp đỡ những bệnh nhân trầm cảm một cách thiết thực hơn.

Trầm cảm là một chứng rối loạn tâm trạng đi kèm với những cảm xúc, suy nghĩ tiêu cực dai dẳng gây ảnh hưởng đáng kể đến tâm trí và hành vi của người bệnh. Nó có thể xảy ra với mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng phổ biến nhất ở những thanh thiếu niên, và phụ nữ lại có nguy cơ cao mắc bệnh trầm cảm cao hơn cả (APA, 2013). Gần 7% người Mỹ ở độ tuổi thanh niên đã mắc phải chứng trầm cảm lâm sàng trong một năm, và khoảng gần 350 triệu người trên khắp thế giới mắc phải nó ít nhất một lần trong đời (WHO, 2019).

Ngày nay, với tỷ lệ trầm cảm cao một cách đáng ngạc nhiên, việc bạn biết làm thế nào để đối phó với bệnh trầm cảm một cách có hiệu quả và tránh làm bất cứ điều gì có thể khiến nó trầm trọng thêm là vô cùng quan trọng.
7 điều bạn tuyệt đối không nên làm khi bị trầm cảm:


1.Giữ bí mật

Một khi bạn nhận ra rằng bạn đang phải vật lộn một cách khó khăn với căn bệnh trầm cảm, điều tốt nhất bạn có thể làm cho chính mình là tìm đến những người bạn yêu thương và cùng nhau tìm ra cách giải quyết (Lin, Dean, & Ensel, 2013). Rất nhiều người chịu đựng trong thầm lặng và giữ bí mật về căn bệnh tinh thần của họ vì họ đang xấu hổ và muốn chối bỏ nó, hoặc họ nghĩ rằng mình có thể chiến thắng nó một mình. Bạn nghĩ rằng không nên làm phiền người khác nên bạn “giữ những rắc rối cho riêng mình”, nhưng bệnh trầm cảm không phải thứ bạn nên giữ bí mật. Việc bạn đề nghị và nhận sự giúp đỡ để cải thiện bệnh tình không có gì là sai trái.

Bệnh trầm cảm không phải thứ nên giữ bí mật

2.Uống rượu hoặc dùng chất kích thích

Đừng mắc sai lầm khi nghĩ rằng bạn có thể nhấn chìm nỗi buồn bằng cồn hay chất kích thích, nó có thể tạm thời che mắt bạn nhưng khi bạn mở mắt ra một lần nữa, khung cảnh bên ngoài thậm chí còn tệ hơn và bên trong bạn cũng vậy! Dùng chúng có thể giúp bạn tê liệt ngay lập tức, bạn không còn cảm thấy buồn, nhưng cũng chẳng cảm thấy gì khác,nó khiến bạn càng trở nên phụ thuộc và dần chai sạn về mặt cảm xúc – bệnh tình của bạn càng nặng thêm. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân lạm dụng chất kích thích nhưng hãy cố gắng hoặc giúp các bệnh nhân trầm cảm cưỡng lại nó vì đây thực sự là “dùng họa đổi họa”.


3. Cô lập bản thân

Vượt qua trầm cảm đã đủ khó nhằn rồi; đừng khiến nó trở nên khó khăn hơn khi gánh vác nó một mình. Cố gắng đẩy người khác ra xa và nhốt mình trong phòng cả ngày có thể là biểu hiện của sự mạnh mẽ, nhưng bạn cần phải chống lại điều này bởi vì nó chỉ làm cho bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Trầm cảm khiến bạn tin rằng bạn cần được riêng tư mọi lúc và rằng không ai muốn ở bên bạn, thế nhưng dù cho mệt mỏi hay vô ích thế nào bạn cũng phải cố gắng ở bên bạn bè và gia đình mình. Bởi duy trì các mối quan hệ và tham gia các hoạt động xã hội có thể giúp ích rất nhiều trong việc kiềm chế những cảm giác tiêu cực vì cô đơn và trống vắng mà trầm cảm thường mang lại (Hoong, Hesche, & Bowland, 2013).


4. Chỉ trích bản thân


Trầm cảm có thể xảy đến với bất kỳ ai.

Bạn có thể là người giàu có nhất, thông minh nhất, thành công nhất, xuất sắc nhất trong mọi lĩnh vực, nhưng bạn vẫn hoàn toàn có khả năng mặc bệnh trầm cảm. Vì thế, đừng hành hạ bản thân và đổ lỗi cho chính mình nhé!

Có hàng tá lý do khác nhau lý giải tại sao một người nào đó có thể bị trầm cảm, đó là vì gen của chúng ta, hoạt động thần kinh của chúng ta, hoặc môi trường xã hội của chúng ta (Srinivasan, Cohen, & Parikh, 2003). Ngay cả những nhà tâm lý học hàng đầu thế giới vẫn không hoàn toàn hiểu được bản chất của bệnh trầm cảm và tại sao nó xảy ra với một ai đó, vì vậy đừng nghĩ rằng điều này là lỗi của bạn. Trầm cảm đến một cách chậm rãi và âm thầm, theo cả những yếu tố tự nhiên và xã hội, bạn không hề có lỗi gì cả!


5. Bỏ bê việc chăm sóc bản thân

Khi sức khỏe tinh thần của bạn đang trong tình trạng không ổn định, chú ý chăm sóc sức khỏe thể chất sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giảm bớt căng thẳng và cải thiện tâm trạng. Vì vậy đừng bao giờ bỏ bê việc chăm sóc bản thân. Hãy chắc chắn bạn nghỉ ngơi thật nhiều và ngủ ít nhất là đủ tám giờ một ngày. Ăn uống lành mạnh và xây dựng một chế độ ăn uống thật cân bằng chứa nhiều giá trị dinh dưỡng. Cắt giảm đường, caffeine, và thức ăn vặt. Bắt đầu tập thể dục đều đặn hoặc thử tập yoga khi bạn cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Tịnh tâm bằng cách ngồi thiền và tập luyện một số kỹ thuật thư giãn. Làm tất cả những điều này khi bạn đang cảm thấy đặc biệt kiệt sức, và hãy tin vào chúng tôi, sức khỏe tâm thần sẽ được cải thiện đấy!


6. Để trầm cảm nuốt trọn bạn

Bạn có biết rằng những nhà trị liệu được cảnh báo không bao giờ nhắc đến “chán nản” hay đúng hơn là “một người trầm cảm” với bệnh nhân của mình? Có một lý do quan trọng đằng sau việc đó – vì các chuyên gia chăm sóc sức khỏe tinh thần tin rằng bệnh nhân không nên bị bó buộc bởi bệnh tinh thần của họ, và rằng bản chất con người quan trọng hơn những triệu chứng bệnh của họ.

Trầm cảm khiến bạn thay đổi theo cách rất đau đớn – nó ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận về bản thân và cách bạn nhìn nhận thế giới xung quanh – nhưng điều quan trọng là đừng bao giờ đánh mất bản thân mình, cái “bản thân” khi bạn chưa mắc bệnh. Vì vậy, hãy nhớ về những phẩm chất tuyệt vời đã làm nên con người bạn và đừng để chứng trầm cảm ngăn bạn làm những điều bạn thích hoặc theo đuổi ước mơ của mình.


7. Từ bỏ hy vọng

Điều cuối cùng nhưng có lẽ là quan trọng nhất, dù cho căn bệnh trầm cảm của bạn nghiêm trọng cỡ nào, bạn không bao giờ được từ bỏ hy vọng rằng một ngày nào đó bạn sẽ trở nên tốt hơn. Cuộc chiến chống lại bệnh tinh thần rất dài và khó khăn, và chắc chắn nó sẽ không xảy ra chỉ trong một đêm, nhưng việc chiến đấu với nó là vô cùng giá trị và nó chắc chắn là trận chiến mà bạn có thể giành chiến thắng. Bởi vì cũng giống như những cơn sợ hãi và đau đớn và bất lực bạn hay cảm thấy, bạn cũng không hề vô vọng khi mơ về một tương lai tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn cho chính bản thân mình.

Theo Liên minh hỗ trợ trầm cảm và lưỡng cực, (2018), hơn 80% những bệnh nhân tìm kiếm phương pháp chữa trị chứng trầm cảm đã hoàn toàn hồi phục. Thậm chí một nghiên cứu còn xác nhận rằng chỉ trong 8 tuần ngắn ngủi, 58,7% bệnh nhân đã thuyên giảm rõ rệt (có nghĩa là họ đã học được cách điều khiển chứng trầm cảm một cách hiệu quả để tận hưởng một cuộc sống bình thường) và 15,9% hoàn toàn hồi phục (Novick, Montgomery, & Haro, 2017).

Dù trầm cảm là một mối lo lắng hàng đầu về sức khỏe tinh thần đối với nhiều người, may mắn thay, nó hoàn toàn có thể điều trị. Với hệ thống hỗ trợ vững chắc, sự giúp đỡ chuyên nghiệp, và sự thay đổi cách sống đúng đắn, bạn có thể giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại căn bệnh tinh thần này và đẩy lùi trầm cảm về phía sau. Đây không phải là một quá trình dễ dàng – sự phục hồi cần có thời gian và nguy cơ tái phát lại cao – nhưng đừng bao giờ ngừng hy vọng rằng một ngày nào đó, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc trở lại. Một ngày nào đó, bạn sẽ còn cảm thấy tốt hơn so với bạn mong đợi. Mong rằng tránh làm 7 điều độc hại trên có thể giúp bạn trong việc cải thiện tốc độ phục hồi.


Dịch: Uyển Nhi

Biên tập: Mai

Nguồn ảnh: Pinterest

Nguồn bài:  https://psych2go.net/7-things-you-should-never-do-when-youre-depressed/

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: https://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan