7 học thuyết giải thích tại sao chúng ta mơ

Giấc mơ là chủ đề thu hút với nhiều nhà khoa học trong hàng ngàn năm qua, nhưng phải đến gần đây giấc mơ mới được nghiên cứu theo hướng thực chứng và khoa học tập trung. Có thể bạn …

Giấc mơ là chủ đề thu hút với nhiều nhà khoa học trong hàng ngàn năm qua, nhưng phải đến gần đây giấc mơ mới được nghiên cứu theo hướng thực chứng và khoa học tập trung. Có thể bạn vẫn thường cảm thấy khó hiểu với những bí ẩn trong những giấc mơ hoặc có lẽ bạn cũng đã từng băn khoăn tại sao bạn lại mơ như vậy.

Giấc mơ là gì?

Một giấc mơ có thể bao gồm bất kì hình ảnh, ý nghĩ hay cảm xúc nào được trải nghiệm trong giấc ngủ. Những giấc mơ có thể vô cùng sống động hoặc rất mơ hồ, được lấp đầy với những cảm xúc vui sướng hoặc những hình ảnh đáng sợ, có thể cụ thể và dễ hiểu nhưng cũng có thể không rõ ràng và gây nhiều bối rối.

Mục đích của những giấc mơ là gì?

Mặc dù chúng ta đều mơ, Các nhà tâm lý học thường phải đưa ra những kết luận gì về việc vì sao chúng ta đều mơ??  Dù có rất nhiều học thuyết đã được đưa ra nhưng vẫn chưa có một sự nhất quán rõ ràng nào. Xét đến lượng thời gian khổng lồ mà chúng ta dành để mơ, thực tế rằng các nhà nghiên cứu vẫn chưa thực sự hiểu mục đích của những giấc mơ có lẽ là một sự cản trở lớn. Tuy nhiên, cần biết rằng khoa học vẫn đang làm sáng rõ mục đích chính và chức năng của giấc ngủ. 

Một vài nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng giấc mơ không có một mục đích thật sự nào cả trong khi số khác tin rằng mơ là cần thiết đối với tinh thần, cảm xúc và thể chất của mỗi con người. Ernest Hoffman, giám đốc Trung tâm rối loạn giấc ngủ tại bệnh viện Newton-Wellesley, Boston, Mass, đã phát biểu trên tạp chí Khoa học Mỹ (Scientific American) năm 2006  rằng “..Một chức năng khả dụng (mặc dù chưa được chứng minh) của giấc mơ là để dệt nên những thông tin mới vào trong hệ thống trí nhớ theo một cách mà vừa giảm được xáo trộn cảm xúc vừa giúp chúng ta thích ứng để đối phó với những chấn động tâm lý mạnh hoặc các biến cố căng thẳng trong cuộc sống.”

Tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu thêm về một số học thuyết nổi bật nhất về những giấc mơ.

Thuyết phân tâm học về những giấc mơ

Thống nhất với quan điểm của phân tâm học, học thuyết của Sigmund Freud về giấc mơ đã chỉ ra rằng giấc mơ tượng trưng cho ham muốn, suy nghĩ và những động lực vô thức. Dưới góc nhìn phân tâm học của Freud về nhân cách, con người bị điều khiển bởi những bản năng hung hăng và bản năng sinh dục bị kìm nén khi còn có nhận thức tỉnh táo. Mặc dù những suy nghĩ này không được thể hiện trong lúc tỉnh táo, Freud cho rằng chúng tự tìm cánh cửa bước vào tiềm thức của chúng ta thông qua những giấc mơ. 

Trong cuốn sách nổi tiếng của ông “Giải mã những giấc mơ”, Freud viết rằng những giấc mơ là: “sự thoả mãn tiềm ẩn của những ước vọng bị đè nén”

Ông cũng mô tả hai thành phần khác biệt của giấc mơ: nội dung hiển thị và nội dung tiềm ẩn. Nội dung hiển thị được tạo dựng từ những hình ảnh, suy nghĩ và nội dung có thật được chứa 

đựng trong giấc mơ, trong khi nội dung tiềm ẩm thể hiện phần ý nghĩa tâm lý ẩn nấp trong giấc mơ.

Học thuyết của Freud đóng góp vào sự phổ biến của việc giải mã giấc mơ, công trình này vẫn còn nổi tiếng đến tận ngày nay. Tuy nhiên, nghiên cứu đã thất bại trong việc chứng minh rằng nội dung hiển thị đang che giấu đi ý nghĩa tâm lý thực sự của giấc mơ.

Mô hình Kích hoạt – Tổng hợp giấc mơ

Mô hình Kích hoạt – Tổng hợp giấc mơ lần đầu được công bố bởi J. Allan Hobson và Robert McClarley vào năm 1977. Theo học thuyết này, các mạng mạch trong não được kích hoạt trong Giấc ngủ mắt chuyển động nhanh – REM (rapid eye movement), làm những vùng thuộc hệ viền liên quan đến cảm xúc, cảm giác và trí nhớ (bao gồm hạch hạnh nhân và hồi hải mã) được kích hoạt. Não bộ tổng hợp và giải mã sự điều tiết bên trong này và cố gắng tìm kiếm ý nghĩa của các tín hiệu, kết quả là giấc mơ xuất hiện. Mô hình này đề xuất rằng giấc mơ là sự giải mã chủ quan các tín hiệu được não bộ tạo ra trong lúc ngủ.

Tuy học thuyết này cho rằng giấc mơ là kết quả của các tín hiệu được xử lý bên trong nhưng Hobson không tin rằng những giấc mơ là vô nghĩa. Thay vào đó, ông cho rằng giấc mơ là “trạng thái có ý thức sáng tạo nhất của chúng ta, là trạng thái mà sự tái hợp tự phát và hỗn loạn của các yếu tố nhận thức tạo ra cấu hình thông tin mới lạ: các ý tưởng mới. Mặc dù nhiều hoặc hầu hết các ý tưởng này có thể vô nghĩa, ngay cả khi chỉ một số ít trong số những sản phẩm tưởng tượng của nó thật sự có ích, thời gian mơ của chúng ta cũng không hề lãng phí.”

Các Thuyết xử lý thông tin

Một trong số những học thuyết lớn giải thích tại sao chúng ta ngủ là giấc ngủ cho phép chúng ta củng cố và xử lý tất cả những thông tin mà chúng ta đã thu thập được trong ngày hôm trước. Một vài chuyên gia về giấc mơ cho rằng giấc mơ chỉ đơn giản là một sản phẩm phụ hoặc một phần hoạt động của quá trình xử lý thông tin. Khi chúng ta xử lý vô số thông tin và ký ức trong ngày, tâm trí  của chúng ta tạo ra những hình ảnh, sự ấn tượng và những câu chuyện để kiểm soát tất cả những hoạt động đang diễn ra trong đầu chúng ta trong lúc ngủ.

Các học thuyết khác về giấc mơ

Nhiều học thuyết khác được đưa ra để giải thích cho sự xuất hiện và ý nghĩa của giấc mơ. Dưới đây là một vài ý tưởng được đề xuất:

  • Một học thuyết cho rằng các giấc mơ là kết quả của việc não bộ nỗ lực giải mã những kích thích từ ngoại cảnh trong quá trình ngủ. Ví dụ, tiếng radio có thể được kết hợp vào nội dung của giấc mơ.
  • Một học thuyết khác sử dụng hình ảnh ẩn dụ máy tính để giải thích cho giấc mơ. Theo học thuyết này, các giấc mơ nhằm mục đích “dọn dẹp” những mớ lộn xộn trong tâm trí, giống như là dọn dẹp hệ điều hành trong máy tính, làm mới tâm trí chuẩn bị cho ngày mới.
  • Tuy nhiên mô hình khác lại đề xuất rằng chức năng của những giấc mơ giống như một dạng tâm lý trị liệu. Trong học thuyết này, người đang mơ có khả năng tạo ra các kết nối giữa những dòng suy nghĩ với trạng thái cảm xúc khác nhau trong một môi trường an toàn.
  • Một mô hình đương đại về giấc mơ kết hợp một vài yếu tố của nhiều học thuyết khác nhau. Sự kích hoạt bộ não tạo ra những kết nối lỏng lẻo giữa những suy nghĩ và ý tưởng, sau đó chúng được dẫn dắt bởi cảm xúc của người đang mơ.

Translated by Daisy (Lan)

Nguồn: https://www.verywellmind.com/why-do-we-dream-top-dream-theories-2795931

Nguồn ảnh: Pinterest

Nếu bạn thấy bài viết bổ ích, dự án có ý nghĩa đối với cộng đồng, donate cho A Crazy Mind qua: http://acrazymind.vn/donate/ nhé!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan