9 Dấu Hiệu Bạn Chưa Hồi Phục Sau Chấn Thương Tâm Lý

Đôi khi, những điều tồi tệ mà chúng ta trải qua trở nên vượt quá mức chịu đựng.

Đôi khi, những điều tồi tệ mà chúng ta trải qua trở nên vượt quá mức chịu đựng. Dù đó là sự ra đi của một người thân yêu, kết thúc của một mối quan hệ hay một lời từ chối, những trải nghiệm này đều vô cùng đau lòng, đến nỗi chúng ta cầu mong rằng mình có thể xóa bỏ chúng khỏi tâm trí. Nếu không có được cách tiếp cận tích cực và lành mạnh, chúng ta dễ đi đến việc kìm nén cảm xúc tiêu cực và tự lừa dối bản thân rằng mọi thứ đều ổn dù sự thật chẳng phải thế.

Thật khó để nhận biết những tổn thương chưa lành qua bề ngoài, nhất là với chính bản thân mình. Thế nhưng, dù chúng ta có ngó lơ thì sự tan vỡ vẫn ở đó trong tiềm thức và túc trực nhào lấy ta bất cứ lúc nào, theo những cách vô cùng độc hại.


Dưới đây là 9 dấu hiệu cho thấy bạn vẫn đang phải chịu đựng những vết thương chưa lành và một số giải pháp hữu ích:

1. Bạn có xu hướng chống lại sự thay đổi tích cực


Khi có điều gì đó tốt đẹp đến với bạn, bản năng đầu tiên của bạn sẽ là nghi ngờ nó. Một cảm giác xấu hổ và tội lỗi luôn xuất hiện bất cứ khi nào bạn cho phép bản thân đem lòng yêu mến một người hay hoan hỉ chúc mừng thành công của chính mình.


Bạn trở nên thoải mái hơn với việc bị ai đó làm tổn thương, bị ai đó khước từ hay bỏ rơi, và thậm chí bạn cũng mong đợi điều đó đến.

Bạn khó mở lòng đón nhận những thay đổi tích cực và thậm chí còn cố gắng kháng cự lại chúng ngay từ đầu, bởi vì tận sâu trong thâm tâm, bạn cảm thấy rằng bạn không xứng đáng có được hạnh phúc.


2. Bạn cần lên kế hoạch cho mọi thứ


Trong bạn luôn tồn tại một nhu cầu kiểm soát mạnh mẽ, đến mức nó trở nên phản tác dụng. Bạn quản lý tỉ mỉ mọi thứ và lên kế hoạch cho tất cả mọi điều, thậm chí đó là những việc của vài năm tới. Bạn dự trù mọi chi phí nhỏ, hoạch ra những thứ để ăn, để mặc mỗi ngày trong tuần, và bạn cảm thấy nản chí, lạc lối bất cứ khi nào những thứ đó không đi theo hướng mà bạn mong đợi. Điều này cho thấy rằng bạn đang có sự hoài nghi sâu sắc đối với chính mình và cả thế giới bên ngoài. Nhu cầu kiểm soát của bạn có thể bắt nguồn từ những trải nghiệm đau thương khiến bạn cảm thấy bất lực và nhạy cảm (Herman, 1998).


3. Bạn có nỗi sợ rất lớn với sự thất bại


Lo lắng rằng mình sẽ thất bại là điều mà tất cả chúng ta đều trải qua, và đó là một phần bình thường của bản chất con người. Tuy nhiên, sợ thất bại đến nỗi ám ảnh có thể trở nên độc hại nếu nó lấn át động lực và niềm tin vào thành công của bạn. Điều đó không chỉ khiến chúng ta bỏ lỡ rất nhiều cơ hội, bóp nghẹt sức sáng tạo và khao khát của mình mà nó còn dẫn chúng ta đến sự bất an cũng như chủ nghĩa cầu toàn thái quá. Vết thương không lành càng bị ăn sâu khiến chúng ta có suy nghĩ tiêu cực về bản thân và biến những thiếu sót trở thành điều hiển nhiên.


4. Bạn sợ hãi cả sự thành công


Một biểu hiện khác của việc đè nén tổn thương chính là nỗi sợ tột độ đối với sự thành công. Bạn đã bao giờ tự kìm hãm bản thân đạt được điều gì đó vì bạn không an tâm về những điều sẽ xảy đến khi bạn thành công chưa? Xu hướng vô thức phá hủy cơ hội thành công của chính mình thường gắn liền với tuổi thơ đau thương và điều đó xảy ra phổ biến ở những người bị bỏ rơi hoặc mất người thân từ nhỏ. (Stanculescu, 2013).


5. Bạn gặp khó khăn trong việc tập trung


Chấn thương tâm lý gây ra những tác động nặng nề và khiến nạn nhân đột ngột trở nên lơ đãng, khó tập trung (Bower & Civers, 1998). Bạn có những lỗ hổng trong trí nhớ, thường xuyên mơ hồ và cảm thấy khó khăn trong việc giữ cho dòng suy nghĩ của mình bắt kịp với hiện tại? Đó có thể là dấu hiệu tâm trí bạn đang cầu cứu, yêu cầu bạn phải tìm cách để vượt qua chấn thương.


6. Bạn rất ngại yêu cầu sự giúp đỡ từ người khác


Những người từng bị lạm dụng hoặc ngược đãi thường khó khăn trong việc tìm kiếm và yêu cầu sự giúp đỡ. Họ thà chịu đựng trong thinh lặng vì họ sợ hãi, sợ bị khước từ, bị phủ nhận, hoặc bị coi như một kẻ yếu ớt bởi những người xung quanh. Một số khác thì cảm thấy không thoải mái và không sẵn sàng khi chia sẻ về những khó khăn mà bản thân đang phải trải qua. Nếu bạn nói với người khác rằng bạn ổn nhưng trong lòng vẫn ngổn ngang những tổn thương thì khi đó chính là lúc bạn cần được chia sẻ và giúp đỡ nhất.


Nếu bạn nói với người khác rằng bạn ổn nhưng trong lòng vẫn ngổn ngang những tổn thương thì khi đó chính là lúc bạn cần được chia sẻ và giúp đỡ nhất.


7. Bạn thường xuyên làm tổn thương chính mình hoặc người khác.


Có khi nào trong lúc bất lực với cảm xúc tiêu cực của mình bạn đã vô tình tổn thương cả người khác? Hay bạn đã từng đẩy họ ra xa và gồng mình tự giải quyết vấn đề? Khi như vết thương chưa khép miệng bắt đầu rỉ máu, chúng ta trở nên bối rối, choáng ngợp và làm những người chúng ta quan tâm buồn lòng, kết cục ta lại chìm vào vòng luẩn quẩn tự trách móc và đay nghiến bản thân. Chúng ta trở nên bất ổn về mặt cảm xúc, mất kiểm soát và quá nhạy cảm. Chúng ta mất bình tĩnh, đập phá mọi thứ và thậm chí có thể tự làm hại mình (Low, Jones, MacLeod, Power, & Duggan, 2000).


8. Bạn luôn hoài nghi về giá trị bản thân


Tổn thương tâm lý khiến hình ảnh bản thân của nạn nhân trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là khi nó bắt nguồn từ những trải nghiệm thời thơ ấu. Bị lạm dụng và bỏ rơi, đặc biệt là bởi những người thân thiết, có thể khiến chúng ta đặt ra vô vàn câu hỏi về giá trị của bản thân và luôn phải đấu tranh nội tâm để cảm thấy “đủ”. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những bệnh nhân mắc chứng Rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (Posttraumatic Stress Disorder- PTSD) thường có sự tự tôn thấp và cảm giác vô dụng (David, Ceschi, Billieux, & Van der Linden, 2008).


9. Bạn có những triệu chứng khó lý giải.


Cuối cùng, nhưng có lẽ cũng là điều quan trọng nhất, đó là nếu bạn đang có các triệu chứng tâm lý khó lý giải được thì có thể bạn đang trải qua hệ quả của chấn thương tâm lý kéo dài. Bạn có cảm thấy càng ngày càng lo lắng và hoảng loạn không? Bạn có cảm thấy khó khăn trong việc cảm nhận hạnh phúc hay tìm thấy niềm vui từ những thứ bạn từng tận hưởng không? Bạn đã mất cảm giác ngon miệng hoặc khó ngủ ngon vào ban đêm? Lo âu, trầm cảm, lạc lõng, hoảng loạn, thường xuyên có những hồi tưởng và các cơn ác mộng và cảm xúc đau khổ đều là những triệu chứng phổ biến ở bệnh nhân mắc PTSD (Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, 2013)

Bạn có từng trải qua sang chấn tâm lý nào hay chưa? Bạn có cảm thấy rằng mình đã vượt qua điều đó hay không? Nếu bạn vẫn đang phải chịu đựng bất kỳ một tổn thương tâm lý kéo dài nào đó thì việc bạn cần đến sự giúp đỡ từ một chuyên gia sức khỏe tinh thần. Đừng quên rằng, dù bạn cố gắng chối bỏ những tổn thương thì chúng vẫn đang tồn tại và ảnh hưởng đến bạn. Bạn cần chữa lành những vết thương một cách tích cực và lành mạnh trước khi thực sự có thể tiến lên phía trước trong cuộc sống và tìm kiếm bình yên trong tâm hồn.


Dịch: Châm

Biên tập: Mai

Nguồn bài viết: https://psych2go.net/

Nguồn ảnh: Pinterest


(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/

(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan