Câu chuyện "Unfriend"

Sự chuyển đổi từ trạng thái "Bạn bè" sang "Thêm bạn bè" có từng khiến bạn tự dằn vặt?

“Hôm nay tao phát hiện tao bị unfriend rồi mày à.”


Đây là câu mà thỉnh thoảng tôi vẫn hay nghe từ những người bạn của mình và cả chính từ bản thân tôi. Vào những lúc như vậy, chúng tôi chỉ biết mỉm cười cho qua.


Trước đây, khi phát hiện ra việc “động trời” này, tôi đã rất buồn bã và lo âu, thậm chí sốc và bấn loạn. Tôi đã đặt ra hàng chục câu hỏi tự vấn bản thân mình như khi đang viết bản kiểm điểm mỗi lần vi phạm điều gì đó. Rằng, tôi đã làm gì sai lầm để bị unfriend như vậy? Biểu hiện đôi khi thái quá của tôi khiến người khác hoảng sợ phải chăng? Kể đến sáng nay do vô tình không kịp đáp lại lời chào nên tôi bị cho là vô lễ? Hay do bước chân đi quá nhanh mà người khác nghĩ rằng tôi là kẻ kiêu căng, ngạo mạn? 


Kết thúc “buổi tự vấn” nội tâm và thôi bứt rứt, tôi chuyển sang giận dữ và oán thán. Chắc hẳn họ ghen tị về chiếc túi mới đắt tiền tôi đeo sáng nay, hoặc tấm ảnh đi du lịch sang trọng mà tôi vừa đăng lên mạng xã hội. Họ không muốn những hình ảnh đẹp đẽ đó xuất hiện trước mặt khiến họ tức tối đến phát điên, nên đã chọn cách unfriend hèn nhát đó. 


Hừm, thế thì tôi cũng cóc cần!


Tuy nhiên, giờ đây, lúc biết mình bị unfriend bởi một người nào đó, tôi chỉ cười trừ rồi thôi. Trong ý cười đó còn chứa đựng sự tự giễu chính mình của ngày xưa khi chỉ vì một lệnh unfriend trên mạng xã hội mà căm phẫn, oán trách tối mặt tối mũi. Khi đối phương nhẹ nhàng nhấp vào nút hủy chỉ mất chưa đến một giây và có thể không hề nghĩ ngợi, hà cớ gì tôi lại giãy nảy như vừa mất sổ gạo? Yêu ghét là quyền của mỗi người. Tiếp tục hay dừng lại cũng vậy. Đơn giản đối phương không muốn duy trì mối liên hệ trên mạng xã hội với ta thêm nữa. Mạng xã hội chỉ là một phương diện nhỏ trong mối quan hệ giữa người với người, là một trong nhiều công cụ để chúng ta nối kết cùng nhau. 


Và lý do bản thân bị đối phương cắt đứt sợi dây ảo này thì khó mà phân trần, diễn giải cho chính xác. Bởi lẽ, yêu hay ghét là cảm xúc của mỗi cá nhân và người khác không có quyền kiểm soát cảm xúc đó. Đôi khi, chúng ta đã cố hết mình để thể hiện bản thân, tạo dựng một hình ảnh đẹp đẽ trong mắt họ nhưng lại nhận về kết quả từ “Bạn bè” chuyển sang “Thêm bạn bè”. Sự biến chuyển giữa hai trạng thái này không đồng nghĩa chúng ta đã thất bại trong việc làm hài lòng ai đó. Không phải cứ cố tỏ ra hòa nhã, thân thiện thì sẽ được nhận lại sự yêu mến của tất cả mọi người. Quan điểm của mỗi người không ai giống ai. Tấm lòng của mình sẽ là món quà mà có người phấn khởi khi mở ra và chiêm ngưỡng, nhưng cũng có người chỉ muốn vứt ngay vào sọt rác. Bản thân chúng ta có thể không sai, mà còn phụ thuộc vào cách nhìn nhận của người kia. Một tấm ảnh trà chiều cùng đám bạn khiến họ tức tối đến nỗi không muốn xem bởi những người cô đơn thường không thích đám đông ồn ã. Bộ váy mới hôm nay ta mặc khiến họ ganh tị mà chọn cách hủy kết bạn để thôi nhìn thấy dáng vẻ yêu kiều trong bộ trang phục mới. Thế nên, đừng tự trách bản thân đã làm gì sai, miễn là ta đã sống và hành xử đúng mực và đúng với bản chất của mình. Còn chuyện yêu hay ghét, “Bạn bè” hay “Thêm bạn bè” là tùy vào người kia. Việc một người cư xử và việc một người khác có thích cách cư xử đó hay không là hai phạm trù độc lập hoàn toàn với nhau. 

Friendship on We heart it | Nguồn: Pinterest

Và đương nhiên tôi cũng từng unfriend vài người. Đó là khi những mâu thuẫn, xung đột xảy đến, cái tôi trỗi dậy mạnh mẽ khi ai đó làm tổn thương mình. Tôi của lúc đó cho rằng đó là cách tự bảo vệ mình và vô cùng hả hê sau khi vừa dùng chiếc kéo “mạng xã hội” sắc lẹm để cắt đứt sợi dây liên kết ảo. Rồi sau này tôi mới ngộ ra: unfriend rồi thì được gì? Nhẹ nhõm? Vui sướng? Hay hào hứng bắt đầu một cuộc sống mới? Không hẳn. Unfriend còn có ý nghĩa gì khi ngày nào tôi cũng lén xem trang cá nhân của họ, để theo dõi những bài đăng mới, cuộc sống của họ khi không có mình. Rồi thấy hả hê khi họ gặp chuyện không như ý muốn hay ê chề, thất vọng khi họ đăng tải những khoảnh khắc hạnh phúc bên người mới. 


Trước đây, vì một vài mối quan hệ không như ý mà tôi đã thẳng tay ấn unfriend không chút đắn đo. Bản thân tôi tự đắc và cho rằng mình đã làm việc đúng đắn để chấm dứt hẳn mối quan hệ mình muốn vứt bỏ. Chắc hẳn tôi đã lầm tưởng và đánh đồng nút Unfriend với việc xóa bỏ hay tạm quên ai đó là giống nhau. Khi nhấn vào nút unfriend tôi cho là “quyền lực” kia, tôi cứ nghĩ vậy là mình đã hoàn toàn rũ bỏ mối quan hệ này và bao thứ ấu trĩ, lố bịch không muốn nhắc nhớ đến. Nhưng tôi đã lầm. Sự thật, dù có nhập vào nút đó một vạn lần, tôi cũng chỉ cắt được sự liên kết ảo. Còn trong thâm tâm vẫn không hề nhẹ nhõm được chút nào, vẫn đau xé tâm can khi nhớ về quãng thời gian cùng nhau, vẫn đau đáu về một quan hệ còn dang dở. Tôi đã ước gì có ai đó chế tạo ra lệnh unfriend mà chỉ cần nhấp vào là có thể quên sạch được mọi hiềm khích của mình. Dẫu vậy, unfriend chỉ là một cách tôi trốn chạy thực tại và điểm khuyết trong mối quan hệ chính bản thân tôi. Nó chỉ là một cách “mắt không thấy tim không đau” tạm thời còn trong tâm trí biết rõ bản thân chưa bao giờ thôi suy nghĩ, u sầu. Bây giờ, tôi mới nhận ra unfriend hay không không quan trọng, quan trọng là trong chính thâm tâm đã rũ bỏ được hay chưa.


Unfriend cũng được. 

Bạn bè cũng được. 

Miễn sao trong tâm trí chúng ta xác định rõ nó thực chất là gì. Tôi cũng có vài người quen, không kết bạn trên mạng xã hội nhưng ngoài đời lại nói chuyện cùng nhau vô cùng ăn ý. Cũng có khi unfriend đóng vài trò như một lá thư báo hiệu mối quan hệ dần rạn nứt, khi ai đó thôi không muốn là một vai trong bộ phim thường nhật của chúng ta nữa. Đối diện với dấu hiệu đó, chúng ta có thể đưa ra quyết định tiếp tục hay dừng lại, tìm ra chỗ hỏng và sửa lại hay đập phá hết, để tránh dây dưa làm mất thời gian và tổn thương lẫn nhau. 


Tóm lại, unfriend không nói lên được một mối quan hệ thực sự đang ở vị trí nào, nó chỉ là một nhánh rất nhỏ trong mối quan hệ đó. Muốn giải quyết phải thông qua thực tế, vạch rõ cảm xúc và ý muốn của chính mình. Thế nên, đừng vì nút unfriend mà đau đáu tự trách, cũng đừng vì nó mà tự gồng mình phải quên. 


Tác giả: Thảo Nguyên


——————

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: https://tinyurl.com/cuocthiVDTT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành"

Với mong muốn lan toả điềm đam mê viết lách người trẻ Việt, A Crazy Mind hiện tại đang tuyển dụng liên tục các tác giả trên cả nước. Thông tin chi tiết về tuyển dụng vui lòng xem tại: https://tinyurl.com/tacgiaACM





BẢN THẢO
Bài viết liên quan