Còn gì tốt hơn khi đời xuống dốc?

Bệnh: Tâm hồn run rẩy vì phong độ tụt dốc vào những ngày cuối của chặng đường dài. Thuốc: “Yêu những điều không hoàn hảo” - Đại đức Hae Min.

Những ngày gần đây, tâm hồn tôi run rẩy - run rẩy vì những chặng đường lớn sắp đến ngày chạm đích và cuộc khảo nghiệm hiệu quả của quá trình sắp diễn ra. Buồn thay, phong độ của tôi tuột dốc không phanh ở những phút cuối, có nguy cơ làm mọi nỗ lực từ đầu hành trình trở thành công cốc. Viễn cảnh này làm tôi sợ đến run người. 


Khi đi trên một con đường dài, dù cho trước đó ta có hùng hồn tuyên bố rằng mình sống để tận hưởng quá trình, thì vẫn nhiều lúc cố nhón chân để nhìn cho được kết quả ở tít đỉnh đồi bên kia - bằng trí tưởng tượng hoặc những câu lập luận có vẻ logic. Quá trình làm ta hạnh phúc, kết quả khiến ta mê mệt. 


Nhớ về ông Perdu - một quý ngài tri thức và có tài thấu cảm trời ban, đồng thời là chủ nhân con thuyền “Hiệu thuốc văn chương” - tôi cũng học đòi bốc thuốc cho căn bệnh tâm hồn của chính mình. Thuốc là sách và sách là thuốc. Một cuốn sách hay chứa những phương thuốc hiệu nghiệm cho căn bệnh tâm hồn của người đọc nó. Nhưng kể cả có là học đòi đi chăng nữa, lần “bốc sách” tay mơ này lại suôn sẻ và tốt đẹp ngoài mong đợi. 


Bệnh: Tâm hồn run rẩy vì phong độ tụt dốc vào những ngày cuối của chặng đường dài.

Thuốc: “Yêu những điều không hoàn hảo” - Đại đức Hae Min. 


Tôi không đọc cuốn sách từ đầu. Tôi biết rằng mỗi cuốn sách là tập hợp của nhiều phương thuốc khác nhau. Việc của người “bốc sách” là chọn đúng loại và sắc đúng thuốc cho bệnh. Trong trường hợp này, phần hai của chương 8 - “Chấp nhận”, đồng thời cũng là những dòng cuối của cuốn sách, là thứ thuốc tôi muốn tìm và cần dùng.


KHI BẠN ĐÃ CỐ GẮNG NHƯNG TÌNH HÌNH VẪN KHÔNG TỐT ĐẸP HƠN


“Sóng dâng lên ắt có lúc phải rút xuống. Phải chăng chúng ta đang lầm tưởng rằng chỉ khi sóng dâng cao mới là bình thường, còn khi sóng rút xuống là bất bình thường? Hay có phải chúng ta đã quá tự mãn cho rằng đối với mình chỉ có những ngày nắng rạng mà quên rằng bên cạnh những ngày nắng rạng đó còn có cả những ngày mưa rơi? Trong cuộc đời, cần phải biết chấp nhận sự xuống dốc như một phần của cuộc sống… Nếu nhìn xa trông rộng hơn, bạn sẽ nhận ra ngay rằng sự xuống phong độ là một quá trình tất yếu, sóng phải rút thì mới có thể tiếp tục dâng cao một lần nữa. Nhờ có trải nghiệm trong hiện tại mà khi trở lại đỉnh cao, chúng ta không còn ngạo mạn nữa mà luôn khiêm tốn, biết tự giữ mình tránh hưng phấn quá đà và sáng suốt hơn.” 


Những dòng chữ khiến tôi hoảng hốt, giống như mảnh vườn tâm hồn thầm kín bị đột nhập và tôi không còn chỗ nương thân khi cuộc đời ngoài đây sa sút. 


Đúng vậy, tôi tự mãn! Tôi đã không có quyền xuống dốc, và công nhận tình trạng xuống dốc tệ hại của bản thân từ những năm thơ trẻ. Hiện thực này bám lấy đời tôi dai dẳng, và cho đến giờ đã trở thành một thói quen khó bỏ. Có bao nhiêu người quyết định cai thuốc lá cơ chứ? Nhưng mấy ai trong số họ cai nghiện thành công? Tôi chắc chắn không phải một trong số đó.


Tôi tiếp thu nhiều thứ và phải công nhận rằng sự tụt dốc, thất bại, khổ đau,... là hiển nhiên trong bất cứ cuộc đời nào. Nhưng nhận thức đó vẫn chỉ dừng lại ở sự công nhận. Từ sâu thẳm trái tim, tôi không cách nào chấp nhận được, đến nỗi tôi thẳng thừng chối bỏ chúng luôn. Mỗi khi buồn đau và bất lực vì những thứ chẳng may đến với đời mình, tôi buông bỏ hy vọng, trì trệ, và rồi trơ tráo dán cho khoảng thời gian đó một cái nhãn xa xỉ và nghe thật hiểu đời - Thời gian để ta sống chậm lại, chữa lành, và tận hưởng cuộc sống. 


Vậy đó! Khi ta cố sống một cách triết lý, hiện thực ẩn sau hoá ra lại bi thảm gấp bội phần kẻ không có triết lý gì. 


Rồi khi đọc được những dòng chữ của Đại đức Hae Min về sóng biển, tôi sâu sắc hiểu ra lý do khiến mình mãi không thể chấp nhận điều bản thân đã công nhận từ lâu: Tôi không nhận ra mối liên hệ giữa những lần xuống dốc và những đợt leo thang. Tôi phân tách chúng và tin rằng chẳng thể nào hai thứ đối ngược nhau lại có thể là điều kiện thiết yếu để thứ còn lại xảy đến. Nhưng sự thật là sóng phải rút thì mới có thể tiếp tục dâng cao, và ngược lại. 


Một người chị thân thiết vẫn nói với tôi rằng những lần đời tôi sa sút là khi tôi nhận thức được nhiều hơn cả. Những nhận thức mới khiến ta hoang mang, đau đớn, rồi hiểu biết và mạnh mẽ hơn từng ngày. Trong đó, nhận thức về bản thân lại là việc làm gây đau đớn nhất. Giống như khi Đức tin của ta bị phản bội, và kẻ phản bội ta lại là chính ta. 


Tôi biết ơn những tháng ngày mình chìm trong nỗi tự phụ, để cái cốc đầu sau đó đời dành cho tôi đau hơn và đáng nhớ hơn. Tôi cảm ơn những lần đời mình xuống dốc, để tôi biết trân trọng hơn những nỗ lực đã đưa tôi đến thăng hoa của cuộc đời. 


Tác giả: Diệu

Ảnh: Pinterest

BẢN THẢO
Bài viết liên quan