Dấu Hiệu Và Triệu Chứng Của Rối Loạn Nhân Cách Ranh Giới

Nếu bạn lo lắng rằng bạn hoặc người thân của bạn có nguy cơ mắc phải Rối loạn Nhân cách Ranh giới (BPD – Borderline Personality Disorder), thì điều quan trọng là bạn cần nắm thông tin về căn bệnh …

Nếu bạn lo lắng rằng bạn hoặc người thân của bạn có nguy cơ mắc phải Rối loạn Nhân cách Ranh giới (BPD – Borderline Personality Disorder), thì điều quan trọng là bạn cần nắm thông tin về căn bệnh này cũng như triệu chứng của nó. Mặc dù một vài triệu chứng của BPD không dễ phát hiện, nhưng một vài triệu chứng khác lại lại là những hành vi có thể quan sát được. 

Triệu chứng của BPD bao gồm sự bất ổn định trong những mối quan hệ nhân sinh, trong hình ảnh bản thân, và cảm xúc, cũng như một kiểu hình những hành vi bốc đồng. Những triệu chứng của BPD thường xuất hiện ở thời kỳ đầu tuổi trưởng thành [khoảng cuối tuổi vị thành niên cho đến trước 40 tuổi] và có xu hướng kéo dài trong nhiều năm. BPD có thể xảy ra ở cả nam và nữ. 

Nếu bạn hoặc người thân có những dấu hiệu và triệu chứng sau đây thì bạn hoặc người thân của bạn cần được đánh giá bởi một chuyên gia về lĩnh vực sức khỏe.

Sợ bị bỏ rơi 

Người mắc chứng BPD thường gặp khó khăn trong những mối quan hệ. Cụ thể là, họ có thể rất nhạy cảm với sự bỏ rơi. Họ có thể tin rằng mình đang bị ai đó bỏ lại trong khi thực tế lại không phải như vậy. 

Vì nỗi sợ bị bỏ rơi có thể tràn ngập và mãnh liệt, người mắc chứng BPD hay thực hiện những hành vi với mục đích trấn an rằng vẫn đối phương vẫn còn quan tâm đến họ. Ví dụ như họ có thể gọi điện thoại cho ai đó liên tục để được nghe những lời khẳng định cho thấy mối quan hệ vẫn còn nguyên vẹn, hoặc là họ cứ bám khư khư lấy ai đó khi người đó muốn rời đi. 

Không may thay, việc này lại có thể là một con dao hai lưỡi. Một người càng cố gắng tìm kiếm sự đảm bảo rằng mối  quan hệ của họ với ai đó là “an toàn”, thì vô tình lại càng đẩy đối phương ra xa hơn, và cùng lúc đó họ cũng đang ngầm hủy hoại bản thân mình.

Những mối quan hệ bất ổn định

BPD thường hay gắn liền với những mối quan hệ liên nhân cách vô cùng bất ổn định và mãnh liệt. Sự chuyển đổi từ cơ chế phòng vệ lý tưởng hóa (idealization) sang cơ chế giảm giá trị (devaluation) trong cùng một mối quan hệ là rất phổ biến ở những người mắc BPD, đây là quá trình được gọi là “chia tách” (“splitting”). Một mối quan hệ có thể bắt đầu ở giai đoạn lý tưởng hóa với việc người mắc chứng BPD cảm thấy được gắn kết mãnh liệt và lạc quan về đối phương, và muốn dành nhiều thời gian với người đó. Tuy nhiên, khi giai đoạn giảm giá trị kéo đến, người mắc chứng BPD có thể thấy đối phương không còn xứng đáng, độc ác, hoặc vô tâm, và có thể cố gắng giữ khoảng cách với họ. 

Ngoài ra, một mối quan hệ với người mắc chứng BPD thường mang đặc trưng là có rất nhiều xung đột, thăng trầm, nghi ngờ, đòi hỏi (needy), và những cuộc cãi vã thường xuyên. Trong thực tế, người mắc chứng BPD hay cảm thấy thất vọng hoặc thậm chí ghét bỏ người họ yêu. Họ cũng gặp khó khăn trong nhận diện cảm xúc của đối phương và thấu cảm với người đó.

Sự suy giảm bản sắc cá nhân 

Như trong những mối quan hệ, sự bất ổn định cũng có thể xảy ra trong hình ảnh bản thân và trong ý thức về bản ngã. Một người mắc chứng BPD, trong một lúc nào đó, có thể tin rằng mình đang thành công, nhưng ngay sau đó họ có thể trở nên cực kỳ tự ti hoặc hà khắc với bản thân mình. Ý thức về bản ngã của họ cũng có thể không vững vàng, từ đó khiến họ hành xử khác nhau ở những bối cảnh khác nhau. Ví dụ như việc họ hành xử hoàn toàn khác nhau khi chơi chung với hai nhóm bạn khác nhau. 

Ngoài ra, người mắc chứng BPD có thể cảm thấy như mình không tồn tại và không chắc chắn về bản sắc hoặc vai trò của mình (ví dụ như cảm thấy bạn không biết bạn thật sự là ai, hay bạn tin vào điều gì).

Bốc đồng 

Nhiều người mắc chứng BPD thể hiện ra bên ngoài những hành vi bốc đồng như là: 

  • Vung tay quá trán 
  • Quan hệ tình dục bừa bãi 
  • Lái xe nguy hiểm 
  • Sử dụng thuốc, chất hoặc đồ uống có cồn sai mục đích 
  • Ăn uống vô độ 
  • Vi phạm pháp luật (ví dụ: ăn cắp) 
  • Kết quả là những hành vi bốc đồng này dẫn đến những rắc rối trong những mối quan hệ, sức khỏe, và vấn đề pháp lý.

Những hành vi tự ngược đãi bản thân hoặc tự tử 

Vài người mắc chứng BPD có thể có những hành vi tự ngược đãi bản thân và một vài người khác thì có những thao tác hoặc hành vi tự tử. 

Hành vi tự ngược đãi bản thân và thao tác tự tử thật ra là hai vấn đề khác nhau – hành vi tự ngược đãi bản thân không phải là những nỗ lực nhằm tự sát. Hành vi tự ngược đãi bản thân (tự gây tổn thương) là những hành vi nhằm xóa đi những nỗi đau tinh thần hoặc những cảm xúc khó chịu. Họ thường ít thực hiện những hành vi đó khi có sự hiện diện của người khác. Nhưng bạn vẫn có thể thấy được những dấu hiệu như là những vết sẹo, vết thương từ việc cắt, đốt, hoặc những dạng tự gây tổn thương khác. 

Người mắc chứng BPD cũng có thể đe dọa tự sát và thực hiện hành vi tự tử. Những trường hợp đó nên được nhìn nhận một cách nghiêm túc. Có số liệu cho rằng 70% số người mắc chứng BPD sẽ thực hiện hành vi tự tử ít nhất một lần trong đời, và gần 10% trong số đó đạt được mục đích.

Bất ổn định về mặt cảm xúc

Mặc dù không phải là một dấu hiệu có thể quan sát thấy từ bên ngoài, nhưng những người mắc chứng BPD hay thay đổi tâm trạng thường xuyên và mãnh liệt và thường là để phản ứng lại một chuyện xảy ra trong cuộc sống. Một người mắc chứng BPD có thể đang trông như vui vẻ nhưng chuyển sang cảm thấy buồn chán chỉ trong giây phút. Họ cũng có thể trải qua những cảm xúc tiêu cực mãnh liệt đối với những tình huống thường ngày và/hoặc trải qua một nỗi buồn hoặc sự cáu gắt có thể kéo dài đến hàng giờ đồng hồ.

Cảm thấy trống trải 

Một người mắc chứng BPD hay cảm nhận được một cảm giác trống trải kéo dài, như là không có gì bên trong tâm hồn họ hoặc là tinh thần họ đã chết. Cái cảm giác cho rằng cuộc đời chẳng đáng giá bao nhiêu có thể dẫn đến những hành vi mang cảm xúc kịch tính như là rối loạn phân ly (hysteria), nổi giận, v.v. nhằm thu hút sự chú ý bằng cơn khủng hoảng. Người thân cần hiểu nguồn gốc của những hành vi này, vì những phản ứng thông thường chỉ làm tăng thêm cảm giác trống rỗng sâu hoắm trong người mắc BPD.

Giận dữ tột độ và hành vi gây hấn 

Người mắc chứng BPD có khuynh hướng cảm thấy giận dữ quá so với mức độ chính đáng của tình huống. Vài người mắc chứng BPD trải qua cảm giác giận dữ tột độ đến mức họ ít khi hoặc không bao giờ thể hiện nó ra bên ngoài. Những người khác thì thể hiện nó ra, đôi khi dưới những hình thức gây hấn có tiếp xúc thể lý. Hành vi tức giận, với hình thức đa dạng từ lời nói mang tính xúc phạm, mỉa mai đến đụng độ tay chân với người khác, là một dấu hiệu thường thấy của BPD.

Trong trường hợp bạn cảm thấy lo lắng về bản thân mình 

Nếu bạn cảm thấy lo lắng rằng bản thân có thể mắc phải BPD sau khi đọc xong bài viết này, hãy hiểu rằng chúng tôi có thể biết và nhận ra nguồn gốc của những hành vi được coi là dấu hiệu và triệu chứng của BPD. Những người có kiến thức về BPD sẽ thấu hiểu rằng những hành động gây rối như là liên tục gọi điện thoại chỉ là nỗ lực của bạn để trấn an nỗi lo bị bỏ rơi. Từ việc thấy ai đó tuyệt vời rồi sau đó chuyển sang khinh miệt họ có thể khiến mọi người cảm thấy khó hiểu, nhưng đó lại là một cơ chế bảo vệ mà tâm trí bạn tạo ra để cố gắng giữ bạn tránh khỏi việc bị tổn thương. 

Một nhà trị liệu giỏi có thể tạo ra cả một bầu trời khác biệt cho những người đang sống trong tình trạng này. Những vấn đề đang khiến bạn dễ quạu có thể được giải quyết dễ dàng hơn khi bạn xác định được bản chất của chúng. Một nhà trị liệu giỏi còn có thể giúp bạn khám phá và học cách xử lý những yếu tố gây kích động và giúp bạn phát triển những kỹ năng ứng phó lành mạnh.

Dịch: ivvimcmxcix

Biên tập: Lyo Kiu

Minh họa: Blue Creating

Nguồn bài viết:  https://www.verywellmind.com/borderline-personality-disorder-symptoms-425175

A Crazy Mind là một dự án phi lợi nhuận với hơn 100 cộng tác viên trên khắp cả nước. Với mục tiêu đem lại và nâng cao kiến thức tâm lý tới cộng đồng, chúng tôi mong nhận được sự ủng hộ và đóng góp của các bạn. Các quý độc giả có thể donate cho A Crazy Mind tại đây: http://acrazymind.vn/donate/ . Xin cảm ơn!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: Acrazymind.vn”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày và tham gia nhóm cộng đồng tự chữa lành của A Crazy Mind tại: https://www.facebook.com/groups/371004360098732/(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL


BẢN THẢO
Bài viết liên quan