Điều ước thứ 7

Quay đầu là bờ, nhưng em không biết nữa, em chẳng cách nào xác định được bến đỗ, em không chắc, có ai còn đợi em trở về nữa.

— Quay đầu là bờ, nhưng em không biết nữa, em chẳng cách nào xác định được bến đỗ, em không chắc, có ai còn đợi em trở về nữa.


Hớp vào rồi hắt ra, vẻ như con bé khó lòng kiểm soát được thanh quản đang phình hóp liên tục; như quả bóng bay xì khí, dứt lời, hết hơi, bao khát vọng con bé từng gởi gắm nơi bầu trời ấy cũng rớt bạch theo cái thõng tay bất lực. Con nhỏ cứ nhìn trân trân như vậy, xuống hàng ghế phụ huynh trống trơn cuối lớp học, sau đó mới chịu tập tễnh về chỗ, nhưng nhỏ cứ mãi ngoái lại. Rốt cuộc, sao cứ mãi mong chờ thế, liệu ai sẽ nhớ đến ta chăng.


Bọn nó, tuyệt nhiên chẳng có một cái tên hay danh phận đúng nghĩa. Người ta chỉ thường gọi là “đám đó”, “thằng”, “con nhỏ đó”. Mà có sao chứ, người ta vốn dĩ chỉ nói khơi khơi bóng gió, đã chỉ đích danh ai đâu nào. Thiếu điều, nó hiểu rõ, “từng lầm đường lạc lối như mày thì có quyền gì đòi hỏi sự tôn trọng nữa.”


Tại ngôi trường đặc biệt dành cho độc mỗi thành phần bất trị, nó gặp được “nhỏ” và “nhóc”, hai đứa bạn cũng đặc biệt nốt.


“Nhỏ” công nhận còn rất nhỏ, thân hình bé tẹo ấy vậy mà lắm sức đỡ được cái bụng bầu quá trớn. Thế nhưng, nó chẳng lấy làm lạ, vì con bé còn cõng được đống đàm tiếu, lăng mạ từ mấy vị khán giả qua đường, đến lời hứa đầu môi của gã bạn trai còn trót lọt lỗ tai, kể cả sự vô tình của người thân cũng đành tha thứ. Nó chỉ băn khoăn cớ sao con bé luôn ước ao và tìm mọi cách để được đón nhận lần nữa, dẫu họ đã và đang một mực chối bỏ cô.


Một khắc lầm lỡ, là một vạn dặm xa, xa guồng quay xã hội thông thường, xa luôn hình ảnh cô gái mới lớn mơn mởn xanh non. Nhỏ buộc phải lớn, xoay sở nuôi lớn thêm một đứa trẻ, trong khi bản thân mình còn chưa đủ chững. Xấu hổ, xấu hổ, nhỏ luôn mặc định mình là nỗi nhục nhã của cả nhà, bởi những mũi dùi, đổ đầu tội lỗi tứ phía. Đám người tự nhận tôi “khôn ngoan” cứ thích cho mình cái quyền đó.


Áp lực đè nặng, cái cổ kiêu hãnh bất giác nhượng bộ, oằn mình cuộn tròn vào vỏ ốc. Tương tự một loại kháng thể sinh ra để chống lại viruss, lớp sừng ngày càng dày, chặn mọi sự xâm nhập từ bên ngoài. Hành tung cùng lúc trở nên khó lường, dứt điểm cho cơn sóng ngầm là hành động cắt động mạch từ phía nhỏ. Nó thấy được, mặt biển nức toác.

— — —


“Nhóc” thực chất là một đứa trẻ to xác. Thói đời hung hăng, mạch tư duy ngập nghẽn, cái tôi ngút trời vô hình chung nung nấu nham thạch cho loạt cơn rồ ầm ĩ trại giáo dưỡng. Quả nhiên khó dạy thật! Hèn chi chẳng ai muốn dây dưa với thằng nhóc đó. Bao nhiêu tức giận, phật ý cứ khoái để xổng chuồng mà hoành hành, trút lên tâm trạng của người khác. Nếp sống theo kẻng của trại cũng chẳng thể nào thuần phục được cậu bé về với bản tính lương thiện ban đầu.


Nó từng chứng kiến nhiều phạm nhân tầm tuổi nhạy cảm rồi, nhiều em vào trại mang theo cả ngôn ngữ xã hội và những thói quen xấu trong những ngày dặt dẹo bên ngoài. Tới phiên thằng nhóc này, nghe đồn đâu nhà chằng phải dân chợ búa hay khuynh hướng bạo lực gì, ba mẹ thuộc chức cao bề thế, đến độ dâng tận miệng mọi “quả ngọt” nào cần nhúng tay. Sinh ra ở vạch đích, nuông chiều vật chất, lớp mạ bạch kim hào nhoáng lâu nay đã đánh lừa thị giác vô số vị khách mới ghé.


Đôi ba bước lòng vòng nhà, quản gia kiêm người giám hộ suốt ngày kè kè bên, chăm chăm không được làm cái này, không cái kia theo chỉ thị mà không bao giờ giải thích lý do. Tại sao nhóc phải tôn trọng ba mẹ, trong khi những lúc khó khăn họ biền biệt mất tăm. Nhóc cứ tưởng tiền kiếm khó lắm chứ. Tại sao ba mẹ có thể đáp ứng nhiều yêu cầu xa xỉ mà lại không thể tặng nhóc đơn giản một cái ôm. 


Nhóc không thể nào hiểu nổi thế giới người lớn, một thế giới phù phiếm và hình như chưa bao giờ để vừa mắt một cậu bé ngỗ nghịch như chàng ta. Nhưng, lẽ nào chỉ vậy thôi sao. Ngoài gắn cho những cái mác như “chống đối xã hội”, nhóc còn là một cậu bé tích đầy vết sẹo, trên thân thể và cả trong trái tim. Nhưng, liệu có ai màng.


— Điều ước của em, em biết nó khó thực hiện nhưng mà, - Khịt khịt giọng mãi, cách nhóc nhả chữ nghe cứ dinh dính, ý tứ câu nói lại chằng thể tách biệt hẳn hoi như thể mớ cảm xúc chực trào dâng ấy mắc chùm lại ngay cổ họng. - Em chỉ ước một bữa cơm gia đình có đủ ba và mẹ. Thế mà, em không đủ ngoan ngoãn, làm hài lòng họ. Xin ba mẹ hãy chấp nhận đứa con hoang này, lần cuối nữa thôi.


Hành ghế cuối phòng vọng lại tiếng gào rồi nhanh chóng trả lại vẻ cô quạnh vốn có, vốn có của lòng người.


Chằng hề có ý định về chỗ, chàng ta đăm chiêu ngắm cánh tay chằn chịt vết thương, lở loét sau trận ẩu đả đêm qua. Theo một phản xạ tự nhiên, nhỏ cũng bâng khuâng ve vuốt vết cắt ở cổ tay mà may thay là vụ tự tử bất thành. Hai con mắt, trăm con mắt cứ vậy mà nhìn đờ đẫn về khoảng không tối mịt phía trước. Từ khi nào, tụi nó lại bị gạt sang bên lề xã hội vậy? 

— — —

Chả biết là bao giờ nữa.


Bỗng cua bánh lái tại giao lộ, nó sớm nhận ra mẹ và những người thân yêu đã khuất khỏi tầm mắt tự bao giờ. Từ khi nó xây một bức tường kiên cố nhằm đánh dấu chủ quyền, khoảng cách của thế hệ, của tư tưởng mẹ và nó cứ thế một vời vợi. Tình cảm đôi bên cũng bắt đầu nứt rạn từ đó.


Chểnh mảng chuyện học, thích a dua với chúng bạn, lại sẵn tính bồng bột, dại khờ của tuổi phát triển, nó tập tành hút thuốc rồi tăng đô lên ma tuý, đêm ngày vùi đầu vào những cuộc vui, bầy đàn với lối sống buông thả, rồi lỡ sa chân mắc kẹt trong tội ác nghiêm trọng. Nó từng hối hận, dù vậy vẫn tiếp tục phụ lòng kỳ vọng của mẹ. Sự nghiêm khắc quá mức, mấy cái dây thừng ná thở đó, nó không biết chúng có tác dụng gì, chỉ đau và đau mỗi người trong cuộc.


Ngưỡng mộ mấy đứa bụi đời, đầu đường xó chợ, sống mạo hiểm và theo cách mình muốn, nó quyết định dứt áo ra đi, bay đến một chấp niệm mới, theo đó là tần suất những lời nói dối ngày một dày đặc.


Ngày nó bị bắt vì tội trộm cắp quy mô lớn, đứng trước khuôn mặt thảng thốt của mẹ, nó không dám hé răng nửa lời, tưởng như một cử động mạnh sẽ khiến bầu không khí trở nên gượng gạo, một lời thanh minh sẽ chích ngòi nổ cho cơn bộc phát đau đớn ấy. Một đống tro tàn, bao niềm yêu, tin tưởng mẹ dành tan biến sau cái bật lửa. Làm sao mà hàn gắn lại được nữa. Trời ơi, nó muốn thay đổi quá khứ. Con xin lỗi, xin lỗi, nó nói. Làn da nhăn nhúm hệt trái nho khô của mẹ mờ ảo trong mê man.


Khác với mấy đứa nhỏ khác, nó không hề mong mẹ tới dự buổi họp phụ huynh đặc biệt này. Bởi lấy đâu ra mặt mũi cho đủ mới đối diện được với mẹ chứ. Cái nhìn trách móc, không, cái nhìn khốn khổ, heo tóp còn khiến nó chột dạ hơn thế. Dẫu vậy, tụi nó vẫn xứng đáng nhận được yêu thương, phải không?


Trại cải tạo trong tiềm thức mỗi người xưa nay không hơn không kém một “nhà tù” lạnh lẽo, cô độc, là nơi duy nhất chấp chứa đám nhãi ranh vô tính. Còn với nó, chưa bao giờ như vậy cả. Với nó, mọi đứa trẻ đều là thiên thần, trái tim lông xù của tụi nhỏ cần được dọn sạch và chăm sóc, và bắt đầu trách nhiệm ấy là người lớn. 


Mỗi đứa trẻ đều có một hoàn cảnh khắc nghiệt riêng, thế nhưng khi cánh cổng trại khép lại, chúng đều phải chịu đựng sự cô đơn và thiếu thốn tình thương, sự thấu hiểu trong nhiều năm ròng rã. Với chức năng nguyên sơ là “phục hồi nhân cách và cải tạo suy nghĩ”, nó thích gọi đây là ngôi trường kỳ diệu, là nơi giúp các bé vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi dậy thì. Nó từng chứng kiến rất nhiều cô cậu bé được đưa vào đây tại thời điểm bất ổn trầm trọng, tụi nó luôn ám ảnh những mạt sát, hoài nghi và mặc cảm khôn nguôi. Cánh cổng tâm trí chúng luôn khép kín, ít chia sẻ và thường có thái độ trốn tránh.


— Bọn con muốn được nếm trải một tuổi thơ bình thường. Giam giữ, tước đoạt tự do và hình phạt nặng chưa lúc nào là hiệu quả cả. Xin hãy cho tụi con tái hoà nhập lại cộng đồng. 


Thoáng chốc, gian phòng sụt sùi, những nỗi niềm lấp kín. Trước đây, nó chỉ từng nghe kể chuyện thiên thần Lucifer sa ngã thành quỷ Satan, song đó luôn thắc mắc nếu được tu tâm dưỡng tính, có chăng hắn sẽ trở về nguyên bản sơ khai. Ai biết được. Nếu bọn trẻ được đối xử bằng tất cả sự tôn trọng, có chăng chúng sẽ học cách làm người tốt thì sao.


— Con biết tụi con là những đứa trẻ hư hỏng. Nhưng tụi con cũng muốn trở về. Tụi con, vì chấn thương tâm lý mà không thể tiếp tục sống một đời bình thường nữa. - Nó vội đặt tay lên tim, trấn áp lại nhịp thở run rẩy, bao tâm tư, giãi bày từ tận đáy lòng tuôn trào như suối.


— Vậy tại sao, lại đối xử như tội đồ. Con tưởng, mình sẽ được quan tâm hơn chứ, mà đâu có được, làm sao bù đắp cho nổi ngần ấy mất mát, thương tổn chứ!


Tiếng lòng khuếch đại đến vô hạn, từng lớp album ảnh lật mở kỉ niệm, chôn giấu dày vò, chôn giấu yêu thương chưa nói đúng cách. Ở vị trí cuối lớp, khoé miệng mẹ bừng sáng hạnh phúc, vòng tay ấm áp dang mở rộng âu yếm nó, “Hãy trở về con nhé.”


Ước gì!


Tác giả: Cát Phương

BẢN THẢO
Bài viết liên quan