Kẻ tổn thương lại muốn tổn thương người khác

Bằng cách này, nỗi đau khổ sẽ không thể nào dừng lại mà cứ như căn bệnh truyền nhiễm lây lan mãi. Sẽ không bao giờ dừng lại…


Người bị tổn thương đáng buồn thật đấy.

Người bị tổn thương đáng được an ủi và vỗ về.

Người bị tổn thương cũng rất cần một bờ vai.

Tuy nhiên, đôi khi họ lại thật đáng trách. Họ biến vết thương thành con dao sắc bén và cứa vào trái tim người khác. Họ biến nỗi đau thương thành sự hờn oán.


Con sẽ đi cùng em.

Chiếc khăn tang vẫn còn trên bàn.

Tang lễ chỉ vừa mới qua và mọi người trong nhà vẫn đang chạy xuôi chạy ngược.


Duy chỉ có cậu là không hé môi nói lời nào từ lúc sự kiện khủng khiếp ấy xảy đến. Mặt nước lạnh lẽo và đen ngòm đã nuốt chửng lấy cô em gái mà cậu hết mực yêu thương. Cậu thích có em trai hơn, nhưng khi trông thấy gương mặt đáng yêu của em gái mình, cậu biết người anh trai này phải làm hết sức để bảo vệ đứa em bé nhỏ của mình. Cậu đã làm thế. Từ bé đến lớn, hễ em khóc là cậu có mặt ngay lập tức. Cậu “choảng” nhau với mấy đứa to xác trong xóm hay bắt nạt kẻ yếu để bênh vực em, nhường tất cả món ngon và dành tiền mua quà đẹp mỗi dịp em thêm tuổi mới. Cậu có thể chịu một chút thiệt thòi nhưng không thể để em mình xước mất một mảnh da. Hai anh em cứ thế quấn lấy nhau từ sáng đến đêm.


Ấy thế mà dòng nước sâu ngoài kia lại cướp mất người em gái cậu luôn yêu quý. Không, dòng nước chỉ là kẻ đồng lõa. Chủ mưu lại chính là ba mẹ cậu. Đúng vậy, chính họ là chủ mưu sát hại đứa em gái bé bỏng của mình.


Em ấy luôn mơ ước được trở thành một diễn viên múa từ lúc còn là học sinh tiểu học. Cậu lúc nào cũng “tháp tùng” em đi dự hết cuộc thi múa này đến cuộc thi nhảy khác. Nhìn em mình tỏa sáng trên sân khấu, cậu đã tưởng tưởng ra được cô em gái này sẽ hạnh phúc như thế nào nếu trở thành một diễn viên múa thực thụ khi lớn lên. Thế nhưng, đó là mơ mộng của hai anh em chứ không phải của ba mẹ họ. Trong nhà ai cũng là nhân viên, công chức. Thế nên, ba mẹ luôn hướng cho cả hai theo con đường này. Cậu đã bằng lòng chấp thuận đi theo con đường người lớn vẽ ra nhưng em gái thì không. Con bé tính vốn ương ngạnh nên đã lén đăng ký vào trường nghệ thuật. Ba mẹ biết được việc em đỗ vào trường múa thì hết sức phẫn nộ và gào lên sẽ nhốt nó trong nhà nếu nó dám bước vào trường đó. Tối hôm đó, người ta phát hiện em gái cậu đã thả mình vào dòng nước…


Mấy hôm sau tang lễ, câu đầu tiên của cậu là:

“Con sẽ đi cùng em.”

Cả nhà chưa nguôi ngoai trước sự ra đi của cô em gái, nay lại gào khóc hết mức khi người con trai duy nhất cũng lại muốn gieo mình xuống mặt hồ.

“Con không thể bảo vệ em, nên giờ đây càng không thể ích kỷ sống chung một mái nhà với người đã gián tiếp đẩy em ấy xuống hồ.”

Thế rồi, ba mẹ cậu sẽ mất đi cả hai người con chỉ trong vài ngày ngắn ngủi hay sao? Để họ đau đớn và hối hận đến cùng cực là điều cậu muốn? Ba mẹ nào lại không đau lòng khi kẻ đầu bạc tiễn người đầu xanh, nhất là khi chính họ là nguyên nhân khiến con mình lìa xa. Ăn năn và đau khổ có lẽ sẽ theo họ đến suốt cuộc đời vì sự độc đoán của mình. Vậy mà người con còn lại cũng muốn rời bỏ họ mà đi bằng cách tự làm tổn hại bản thân nó. Tại sao nó chỉ muốn giày vò người làm ba mẹ này mà không muốn là nơi để họ dựa vào lúc vết thương âm ỉ?


Nguồn: Heesy | Pinterest


Thì ra anh chỉ là kẻ thế chỗ…

Cô và anh ta đã chia tay được hơn một tuần. Anh ta rời đi chớp nhoáng cũng giống như cách anh ta bước vào đời cô, đưa cho cô một cuộc tình chóng vánh và quay bước đi để lại một nỗi trống trải vô bờ. Cô yêu anh ta nhiều. Rất nhiều. Cô đã mơ về ngôi nhà và những đứa trẻ cùng anh ta, thế nên cô quyết định đặt hết niềm tin mà không chút đắn đo.


Yêu nhiều, thất vọng nhiều. Những tháng ngày có anh ta bên cạnh thật tuyệt vời và cô để anh ta trở thành thói quen, thành điều cô không thể sống thiếu. Vậy nên việc anh ta quay lưng đi không một chút do dự đã để lại trong cô một khoảng trống và nỗi thống khổ khôn tả. Đột nhiên mất đi một điều thân thương nhất, cảm giác như cả thế giới cô đọng chỉ còn lại mình cô. Mỗi góc nhà, mỗi đồ vật cô đều nhìn thấy rõ mồn một dáng dấp của anh ta dù cho đấy chỉ là ảo ảnh nỗi đau bên trong cô tự tạo ra. Nó khiến tâm can cô giằng xé và trong lòng cô đang có một lỗ hỏng khó lấp đầy. Đó chính là cảm giác của cô hiện tại.


Cô muốn trốn chạy cảm giác khó chịu đó nhưng nó cứ không thôi bủa vây lấy cô. Đường cùng, cô tìm đến anh. Anh và cô là là bạn cùng lớp từ tiểu học cho đến cấp ba. Lên đại học, tuy trở thành sinh viên của hai ngôi trường khác nhau nhưng chưa bao giờ anh ngừng dõi theo cô và cả hai vẫn giữ mối quan hệ bạn bè thân thiết như trước giờ mặc dù trong lòng cô biết rõ tình cảm anh dành cho cô trên mức tình bạn. Đến năm 3 đại học, anh bất ngờ tỏ tình với cô nhưng bị cô từ chối. Hiểu được chân tình của anh, thế nhưng tấm lòng của cô dành cho anh chỉ với tư cách một người bạn. Sau sự kiện đó, anh không thay đổi thái độ mà vẫn chú ý đến cô một cách đặc biệt. Rồi cô bắt đầu yêu một gã nhạc sĩ nổi tiếng đa tình. Anh ta hứa cho cô cuộc đời phiêu lãng như một nghệ sĩ. Anh ta đã thực hiện lời hứa nhưng chỉ được trong một cái chớp mắt. Lúc tận cùng thương tổn, chàng trai ấy vẫn dang đôi tay rộng của mình để cô ngã vào lòng. Bên cạnh anh, cô không cảm nhận được dư vị của tình yêu nhưng đổi lại, nhờ có anh khoảng trống trong cô vơi bớt phần nào. Thế nên, cô quyết định để bản thân mình ích kỷ, giữ anh bên cạnh như một “phương án B”. Anh vẫn luôn ân cần và chân thành như trước giờ, chu đáo như một bảo mẫu chăm đứa trẻ đang bị thương. Khi vết thương của đứa trẻ dần tốt hơn, nó lại muốn vùng ra khỏi tay anh để tìm chân trời mới. Bởi nó nghĩ khi bị thương lần nữa, anh sẽ lại che chở cho nó như anh đã từng.


Ngày cô quay lại với gã nhạc sĩ, anh bàng hoàng đến không thể nói thêm gì trước mặt cô, mặc cho cô hết lời nhận lỗi.

“Anh ước gì em không nói lời chấp nhận anh mà cứ để anh chăm sóc em với tư cách một người bạn như bấy lâu nay anh vẫn làm. Nói không chạnh lòng là nói dối nhưng dẫu sao anh vẫn hạnh phúc hơn vì được quan tâm một người bạn như em. Sẽ tệ hơn biết bao nhiêu khi em đồng ý bước đến bên anh mà trên tay lại cầm một con dao sắc nhọn. Và trước khi rời đi em dùng nó để cứa thẳng vào da anh đếm rướm máu. Điều đó còn đau đớn hơn gấp trăm ngàn lần, khi anh biết bản thân đang haong tưởng về vị trí của bản thân. Còn sự thật rằng, anh chỉ là kẻ thế chỗ…”


Kẻ tổn thương dùng vết thương lòng của họ để bao biện cho hành động của mình. Họ cho rằng họ đã chịu đủ giày vò nên không muốn để ý thêm về cảm giác của những người xung quanh. Họ cũng thừa hiểu đau khổ khó chịu như thế nào mà lại muốn đẩy sự khó chịu này sang cho người khác. Đó là cách họ trốn chạy chứ không phải đối diện với nỗi đau. Bằng cách này, nỗi đau khổ sẽ không thể nào dừng lại mà cứ như căn bệnh truyền nhiễm lây lan mãi. Sẽ không bao giờ dừng lại…


Tác giả: Thảo Nguyên

Biên tập: Anh Dương


BẢN THẢO
Bài viết liên quan