“Khi Hơi Thở Hóa Thinh Không" - Hành Trình Kiếm Tìm Lẽ Sống

Cuốn sách đã để lại cho chúng ta bài học về sự cố gắng, nỗ lực không ngừng trước những sóng gió của cuộc đời; bài học về tình yêu thương - chỗ dựa cho mỗi chúng ta trong khốn khó.


“Sống là gì anh kiếm tìm trong cái chết

Giờ nhận ra khi hơi thở hóa thinh không

Tên mới không hay, tên cũ không còn:

Cho tới khi thời gian ngừng xác thể,

Độc giả! Dành thời gian, khi còn có thể

Bước chân nhẹ về cùng với cõi vô ưu. ”


Tựa một lời thủ thỉ tâm tình vấn vương nỗi buồn sầu man mác, những dòng thơ trong “Caelica 83” mở đầu cuốn sách, dẫn lối người đọc tới hành trình kiếm tìm ý nghĩa thực sự của cuộc sống trong cuốn hồi ký “Khi hơi thở hóa thinh không” - tự truyện đầu tiên và duy nhất của vị bác sĩ ngoại khoa thần kinh tài hoa Paul Kalanithi.

 

Paul Kalanithi là một tiến sĩ chuyên ngành phẫu thuật thần kinh người Mĩ gốc Ấn. “Khi hơi thở hóa thinh không” là cuốn tự truyện tác giả viết trong giai đoạn đấu tranh chống lại căn bệnh ung thư phổi quái ác. Những quan niệm, triết lí mà Paul gửi gắm cũng như những chia sẻ đầy trăn trở trong cuốn sách về nghề y, sự sống và cái chết chắc hẳn đã chạm tới trái tim của rất nhiều độc giả.

 

“Khi hơi thở hóa thinh không” bắt đầu bằng một cách khá đặc biệt khi đảo ngược dòng trần thuật: câu chuyện mở ra ngay tại thời khắc Paul được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư phổi ác tính, khi anh đang trong thời kì đỉnh cao của sự nghiệp, khi mọi nỗ lực của anh trong suốt những năm tháng miệt mài học tập, làm việc sắp được đền đáp. Tuy nhiên, thay vì một tương lai tươi sáng mà Paul hằng ao ước, cái anh nhận được sau từng ấy thời gian miệt mài lại là tấm ảnh chụp CT tựa như tờ giấy báo tử đến sớm tay anh: “Tôi lướt qua ảnh chụp CT, chẩn đoán đã rõ ràng: hai bên phổi mờ mịt vô số khối u, xương sống biến dạng, một thuỳ gan bị phá sạch. [...] Nhưng lần này thật khác biệt: ảnh chụp là của chính tôi.”

 

Trong phần I của cuốn sách: “Khởi đầu từ một sức khỏe hoàn hảo”, tác giả tua lại dòng hồi ức về khoảng thời gian khi bản thân vẫn là một cậu thanh niên mới lớn ấp ủ niềm say mê văn học và khoa học với khao khát tìm ra điểm chung giữa chúng. Trong suốt những năm tháng theo học bằng Văn học Anh và Sinh học người tại đại học Stanford, Paul luôn đeo đuổi, tìm kiếm câu trả lời cho câu hỏi: “Điều gì khiến cuộc sống con người thực sự có ý nghĩa?”. Thời điểm Paul quyết định theo học ngành Y ở đại học Yale để theo đuổi triết sinh học một cách nghiêm túc là khi anh bắt đầu hành trình dấn thân vào y học, khám phá mối quan hệ giữa ý nghĩa, cuộc đời và cái chết trên cương vị của một sinh viên Y khoa, của một bác sĩ tương lai.

 

“Tôi theo đuổi ngành Y để được làm chứng nhân cho những bí ẩn song hành cùng với cái chết, những biểu thị mang tính kinh nghiệm và sinh học của nó: vừa vô cùng cá nhân, vừa tuyệt đối phi cá nhân.”

 

Quá trình theo đuổi y học cùng những câu chuyện về ngành Y qua lời kể của Paul dường như hiện lên vô cùng chân thực: mùi thuốc khử trùng nồng nặc, không khí căng thẳng, gấp rút ở phòng cấp cứu, mùi máu tanh xộc nhức óc và cả những quy trình cụ thể của một ca phẫu thuật cũng được Paul tái hiện rõ nét. Qua dòng kí ức của anh, có lẽ phần nào chúng ta cũng cảm nhận được sự khốc liệt trên con đường y học: lịch trình làm việc dày đặc, thời gian biểu rút cạn sức lực, sự sống được giành giật từng giây, từng phút và cả cảm giác bất lực trước những cái chết đầy nghiệt ngã. 

 

Với Paul, lý tưởng cao nhất không phải là cứu lấy mạng sống - ai rồi cũng phải chết - mà là dẫn dắt bệnh nhân và gia đình họ có được sự thấu hiểu cái chết và bệnh tật. Các bác sĩ luôn phải đối mặt với những quyết định sống còn, đôi khi là lựa chọn giữa cái chết nhẹ nhàng hay một tương lai bám trụ cuộc sống ngay cả khi đã mất khả năng chiến đấu. Cái giá của sự cống hiến dành cho ngành Y của các bác sĩ là rất lớn bởi vậy những thất bại không thể tránh khỏi đè nặng lên vai họ một áp lực khó mà chịu đựng nổi: “Khi nâng đỡ sự khốn cùng của ai đó, có đôi khi ta buộc phải sụp đổ dưới sức nặng của nó”. Là một bác sĩ, anh nhận thức mình đã và đang mang trên mình trách nhiệm trọng đại về sự sống và cái chết, về sự cao cả của một chiến binh luôn chiến đấu hết mình dẫu biết phải đối mặt với ranh giới mong manh dẫn tới cánh cổng tử thần.

 

“Ai dạy con người cách chết sẽ đồng thời dạy họ cách sống.”

(Michel de Montaigne - “Rằng học triết là để học cách chết”)



(Paul Kalanithi - Nhà giải phẫu thần kinh, nhà văn người Mĩ gốc Ấn)

 

Phần II “Không dừng cho tới chết” mở ra chặng đường tiếp theo của Paul: quá trình chống chọi với căn bệnh ung thư phổi ác tính. Trên cương vị là một bác sĩ, cái chết vốn là một điều rất quen thuộc với anh trong công việc, vậy mà giờ đây nó lại ghé thăm riêng anh. “Tại một ngã tư đường nơi lẽ ra tôi có thể nhìn và theo dõi dấu chân của vô số bệnh nhân tôi từng chữa trị, thay vào đó tôi chỉ thấy một sa mạc trắng lập lòe đầy trống rỗng khắc nghiệt, như thể một cơn bão đã xoá bỏ mọi dấu vết quen thân”. Như bao người khác, khi đối mặt với cái chết cận kề, cảm giác đầu tiên ập đến trong Paul là nỗi sợ hãi, nỗi sợ về một tương lai mà anh - một bác sĩ - ý thức được rõ nét về sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Vậy nhưng hành trình chiến đấu đầy kiên cường cùng những suy nghĩ, chiêm nghiệm về cuộc đời được Paul gửi gắm ở nửa cuối của cuốn sách là những điều thực sự đáng quý.

 

Paul chấp nhận một sự thật rằng anh sẽ phải đối mặt với cái chết, và như những bệnh nhân khác của mình, Paul cố gắng hiểu được điều gì khiến cuộc đời anh đáng sống. Giống bao người đàn ông khác, Paul mong muốn một mái ấm hoàn chỉnh hơn, một mái ấm có tiếng cười con trẻ. Anh khao khát được làm một người cha, được “tiếp tục sống thay vì chết dần”. Bên cạnh đó, trong những ngày tháng cuối đời này, anh đã lựa chọn văn học để khiến cuộc sống thêm ý nghĩa và cũng để hoàn thành mong ước viết nên một cuốn sách của bản thân: “Tôi cần chữ nghĩa để tiến lên phía trước. Và như thế, văn chương đã mang tôi trở lại với cuộc đời trong suốt thời gian đó”. Có lẽ, chính văn học đã tiếp thêm động lực để Paul tiếp tục sống, tiếp tục công việc trên cương vị một bác sĩ ngoại khoa thần kinh.

 

“Ngay cả khi tôi phải chết, thì tôi vẫn sẽ sống cho đến lúc thực sự ra đi.”

 

Giữa sự sống và cái chết, giữa những bất an, lo sợ, Paul, như một chiến binh kiên cường và can đảm, đã quyết định đứng lên, sống trọn vẹn với niềm đam mê của mình. Bởi lẽ anh hiểu rõ rằng cuộc đời không được định nghĩa bằng khoảng thời gian ta sống mà bằng những khoảnh khắc ta tồn tại. Paul tiếp tục cống hiến những gì có thể cho y học ngay cả khi phải chịu đựng những cơn đau buốt thấu xương khi tiến hành các cuộc phẫu thuật vài tiếng đồng hồ. Paul tiếp tục thỏa niềm đam mê viết lách thuở thiếu thời, anh viết xuyên suốt quãng thời gian điều trị, ngay cả khi đôi bàn tay đã bục da, viết tới khi anh không còn sức lực. Đối với anh, căn bệnh quái ác dẫn tới cái chết này không phải là bắt đầu của sự kết thúc, mà là kết thúc của sự bắt đầu. Paul vẫn nỗ lực sống, dù cho căn bệnh đang dần chuyển biến xấu. Hình ảnh vị bác sĩ dành cả đời cống hiến cho nghề y cố gắng thực hiện ca mổ mà anh biết là cuối cùng một cách trọn vẹn nhất hẳn đã để lại dư âm sâu sắc trong lòng độc giả.

 

Paul cảm nhận được rõ nét những thay đổi trong cơ thể mình. Anh suy nhược trầm trọng. Có lẽ hiểu được rằng bản thân không còn nhiều thời gian nữa, anh quyết định dành toàn bộ thời gian còn lại bên gia đình, bên người vợ đã đồng hành cùng anh trong suốt quá trình gian khổ này và bên người con gái bé bỏng mới chào đời. Những dòng cuối cùng của cuốn sách do anh viết là những lời gửi gắm cho con gái: “cha cầu nguyện con sẽ không quên rằng, con đã từng lấp đầy tháng ngày của một người đàn ông đang chết bằng một niềm vui chan chứa.” Và rồi, Paul mất ngày 9/3/2015 trong vòng tay ấm áp và sự tiếc thương của gia đình.


 

Lần bước theo chuyến hành trình của Paul Kalanithi trong “Khi hơi thở hóa thinh không”, có lẽ mỗi người chúng ta đều sẽ có những suy nghĩ rất riêng, những xúc cảm rất riêng. Cuốn sách đã để lại cho chúng ta bài học về sự cố gắng, nỗ lực không ngừng trước những sóng gió của cuộc đời; bài học về tình yêu thương - chỗ dựa cho mỗi chúng ta trong khốn khó. Ta hãy sống, hãy làm những điều mình muốn, ít nhất một lần trong đời. Và có lẽ, qua dòng trần thuật nhẹ nhàng của Paul, anh đã khiến chúng ta tự suy ngẫm, về chính bản thân, về cuộc đời và về cái chết. Trong lời bạt, vợ anh - Lucy - đã nói: “Phần lớn cuộc đời mình, Paul luôn băn khoăn về cái chết - và liệu anh có thể đối mặt với nó một cách trọn vẹn tâm hồn mình hay không. Kết thúc, câu trả lời là “Có”.” Hẳn ai trong chúng ta cũng đồng tình với câu trả lời ấy bởi quả thực Paul đã sống một cuộc đời đáng ngưỡng mộ. Anh cống hiến ngay cả sau khi anh ra đi, với “Khi hơi thở hóa thinh không”.


Tác giả: Mia



BẢN THẢO
Bài viết liên quan