Không nhớ nổi những trắc trở đã qua

Rốt cuộc bản thân đã thực sự buông bỏ và chữa lành được những thương tổn quá khứ, hay vốn vẫn luôn cố dối lừa và né tránh chúng?

Từ cuối năm ngoái, mình và coach bắt tay vào chuẩn bị bài luận cho kỳ ứng tuyển 2023. Sau khi đọc qua nhiều bài luận nổi bật của các khoá trước, mọi thứ mình nhìn thấy được là: quãng thời gian trắc trở, thử thách => sự kiện mang tính bước ngoặt => tôi đã thay đổi và trở nên tốt hơn ra sao? Nhìn lại bản thân, mình giật mình vì dường như chẳng còn ký ức khó khăn nào đọng lại trong tâm trí. Huống hồ nếu để viết một cách trọn vẹn và sâu sắc về chúng, nhiệm vụ này nhiều phần là bất khả thi. 

 

Vào thời khắc đó, cảm giác nghi hoặc trong mình trỗi dậy. Mình tự hỏi: “Rốt cuộc bản thân đã thực sự buông bỏ và chữa lành được những thương tổn quá khứ, hay vốn vẫn luôn cố dối lừa và né tránh chúng? Nếu đã buông xuống được rồi, hà cớ gì lại không thích nhắc lại và không thể nhớ về chúng?” Nhưng sự thật là dù có cố gắng đến đâu, mình vẫn không thể tìm lại được những hình ảnh, những cảm xúc, những ý nghĩ mình từng trải qua mỗi khi hồi tưởng về mấy điều bất hạnh đã cũ. Mọi thứ còn sót lại chỉ là những đúc kết có được từ những sự kiện khó khăn đó.

 

Cho đến gần đây, nhờ việc mua một loạt sách mới để đọc đầu năm, trong đó có cuốn “Nóng giận là bản năng, tĩnh lặng là bản lĩnh”, mình đã tìm được câu trả lời. Trong sách có một phân đoạn như sau:

 

Một người thanh niên đến thăm một thiền sư. Anh mang theo một gói đồ rất lớn, trong đó có những nỗi đau, thất bại,... mà anh vô cùng trân quý. Người thiền sư sau khi chèo thuyền đưa anh qua sông, liền bảo anh vác theo cả chiếc thuyền. Người thanh niên thắc mắc rằng thuyền nặng như vậy thì sao có thể mang theo được. Vị thiền sư liền đáp: “Con nói đúng, thuyền là công cụ để qua sông. Sau khi qua sông, chúng ta sẽ để nó trên bờ và có thể ung dung bước về phía trước. Nếu chúng ta vác thuyền theo thì rất khó cất bước.” 

 

Cuộc sống ai cũng có nhiều khó khăn và trắc trở. Những trải nghiệm quá khứ như vậy đóng vai trò quan trọng trên chặng đường phát triển bản thân. Dẫu vậy, sau những trải nghiệm đó, thứ chúng ta nên mang theo không phải là nỗi đau, bất hạnh, mà là những bài học và kinh nghiệm được chắt lọc từ chúng. Những trắc trở đã qua rốt cuộc vẫn mãi chỉ nên nằm trong quá khứ. Dù ta có mang nó theo cũng chỉ là đựng trong bao - không những không giúp ích được gì mà còn làm hành trình thêm nặng nhọc. Chỉ có những bài học cốt lõi mới là giá trị bền vững giúp những khó khăn trở thành một ngoại lệ - dù làm ta đau đớn và mệt mỏi, nhưng vẫn đáng được trân trọng và thương yêu.

 

Vậy nên, nếu bạn không nhớ được hoặc không thích nhớ về những trắc trở đã qua, có thể là vì bạn đã buông bỏ được chúng - quên đi thì sẽ không nặng lòng, bỏ đi thì thấy đầu nhẹ nhõm. Để phân biệt sự buông bỏ với sự trốn tránh, bạn có thể quan sát xem liệu khi nhắc về một trắc trở đã qua, sự tái hiện có chân thực hay không? Những hình ảnh rõ rệt tới mức nào? Những suy nghĩ rõ ràng ra sao? Và những cảm xúc có một lần nữa trào dâng như chúng đã từng? 

 

Nếu câu trả lời là có, mình tin rằng nhiều phần chúng ta vẫn đang mắc kẹt và tổn thương vì quá khứ. Và hành trình chữa lành vì thế vẫn cần tiếp tục. Đừng nên gồng mình để quên đi những vết thương. Vì dù có quên đi lúc này, chúng vẫn sẽ gõ cửa tìm bạn vào một ngày nào đó. 

 

Như bản thân mình vẫn thường nhận được vài chuyến thăm bất ngờ từ “những xung đột gia đình trong quá khứ”. Ký ức đó vẫn đến tìm mình vào những ngày nắng đẹp, và khiến mình khó đi vào giấc ngủ. Việc mình làm khi đó chỉ gói gọn trong hai chữ “chân thật” - buồn thì cứ buồn, mà khóc thì cứ khóc. Một sự đối mặt dũng cảm như vậy giúp trái tim mình thêm mạnh mẽ và tự tin. 

 

Lại nói, khi nhắc đến chuyện chữa lành, mình tự thấy bản thân là một “nhà chữa lành” khá thụ động, bởi phần lớn thời gian mình làm là kiên nhẫn chờ đợi. Mình tin vào bản chất vô thường, nên cũng tin rằng quãng thời gian đau khổ cũng chẳng phải mãi mãi. Chữa lành cũng không thể bao gồm sự thúc ép: vết thương sẽ không thể vì bạn muốn khỏi nhanh mà nó cũng khép miệng sớm. Hãy kiên nhẫn, hãy chân thật, hãy hy vọng, và hãy tin tưởng. Rồi sẽ đến lúc những khúc mắc được hoá giải và lòng bạn nhẹ tênh. 

 

Đừng tìm kiếm một công thức cố định cho chuyện chữa lành. Vốn hành trình chữa lành là một hành trình cá nhân. Hãy cứ để dòng chảy được tự nhiên. Bạn có thể chậm lại mỗi khi những vết thương “trở trời” đau nhức, thêm chút năng lượng cho các buổi gặp mặt không mấy vui vẻ cùng quá khứ, và dành thời gian dưỡng thương. Rồi chuỗi ngày bình minh hữu hạn sẽ lại tới, và những chiều hoàng hôn vô tận cũng chào đón bạn ở đâu đó không xa trên chặng đường phát triển bản thân và chữa lành mà thôi. 

 

Ảnh: Pinterest

Tác giả: Diệu

BẢN THẢO
Bài viết liên quan