Không trốn nổi Tương Lai

“Đừng chỉ sống cho lý tưởng của riêng con. Con đâu chắc mình sẽ thoát được sự kiểm soát của tiền bạc? Kinh doanh rõ ràng sẽ mở ra một con đường dễ dàng và sáng lạn hơn cho con.” “Không có năng lực thì làm gì cũng chẳng dễ và sáng lạn nổi đâu bố. Vả lại, con chỉ cần kiếm đủ để sống đủ mà thôi. Bố cũng biết mà…” Dù không có cùng góc nhìn, nhưng lòng tôi vẫn nổi cơn hoang mang như cách nó vẫn làm khi nghe về điều nó chưa từng trải nghiệm...

Chạy đâu cho thoát 


Ánh sáng đang tàn lụi và những vệt sao chói lòa dần hiện lên. Ta chờ đợi một biển đen đầy sao khi nỗi hoài niệm đang trực chờ xâm lấn, lấp đầy tâm hồn ta rồi lại khiến nó trống rỗng. Chẳng biết có phải do sự trống trải này không mà cái lạnh của những ngày Đông chí càng thêm buốt giá. Hơi lạnh như nước biển vùng Cực, từ từ dâng cao và nhấn chìm căn phòng chật hẹp, thấm qua từng lớp áo rồi hoà vào da thịt rét căm. Tiếng gió rít tựa hồ muốn đâm thủng lớp màng nhĩ mỏng manh càng khiến khoảng không thê lương hơn vạn phần. 


Ta đang nơi phòng giam khép kín: Chạy đâu cho thoát cái khắc nghiệt của gió sầu trời Đông? 


Đối thoại cùng quý ngài Lạc Quẻ 


Bố đưa tôi và em gái nhỏ đến lớp học vẽ lúc 7 giờ tối. Gió lạnh những ngày cuối năm lao như thiêu thân vào cửa kính. Dù không hề tiếp xúc với thứ gió điên cuồng này, đôi mắt tôi khi ấy vẫn thấy khô rát đến lạ. Cái lạnh của một buổi tối mùa Đông lọt vào trong xe qua những khe hở mà chúng tôi không nhìn thấy, thấm vào cơ thể qua đường hít thở và dần rút cạn nhiệt ấm vương vãi đâu đây. 


Lòng tôi cuộn sóng - không phải sóng lớn đến mức lật thuyền, nhưng cũng là những con sóng đủ để dâng ta lên cao và dội ta vào tận bờ. “Thật khó để có thể tận hưởng trọn vẹn những giây phút cuối cùng trước lúc bước sang năm mới khi mà mấy chuyện tương lai cứ ồ ập xông tới rồi bủa vây cuộc đời.” Suy nghĩ này vừa xuất hiện, tôi chìm trong cảm giác hối hận. Thường thì khi người ta e sợ một điều và nghĩ về nó, thứ đó liền xảy đến rất nhanh.  


Trong tích tắc, cái im lặng nãy giờ vẫn bao trùm cả khoang xe bị phá vỡ bởi quý ngài Lạc Quẻ - bố của tôi. Tôi học được cách gọi tên thú vị này từ bác sĩ Kurihara trong “Bệnh án của thần linh”, dù vẫn chưa dám dùng nó trực tiếp với người đối diện. 


“Con chọn ngành học đến đâu rồi? Năm sau là phải nộp hồ sơ rồi đúng không?” 


Tôi biết ngay mà. Con quỷ Tương Lai nó đâu thể để tôi yên dễ dàng như vậy. Ngay cả trong thời khắc nhiệt huyết hội hoạ tuôn trào trước giờ học vẽ, tôi vẫn bị buộc phải nghĩ về chuyện chọn ngành học đã ám tôi mấy ngày nay. 


“Con đang cân nhắc ngành Truyền Thông và Tâm lý học. Ngành Xuất bản cũng không tệ, nhưng có lẽ hơi gò bó.” 


Sự im lặng lại bao phủ, nhưng lần này khiến một người thích yên tĩnh như tôi thấy nghẹt thở. Tôi đoán là quý ngài Lạc Quẻ đây đang rất bàng hoàng, hoặc cả hụt hẫng. Cũng không quá khó hiểu vì suốt hơn một thập kỷ ròng rã, ai là người vẫn cứ rêu rao Kinh doanh là ước mơ, là hoài bão kia chứ? Nói về hướng đi hiện tại với Truyền thông hay Tâm lý học, tất thảy mới xuất hiện từ cuối năm 2020, tức là lúc tôi bắt đầu có coach phát triển bản thân. Vậy nên, dù Kinh doanh có tồn tại lâu hơn, nhưng một thập kỷ mông lung làm sao so được với nửa năm được rọi sáng? 


Thật may, cuộc đối thoại chẳng có dấu hiệu gì gọi là trở nên gay gắt. Quý ngài Lạc Quẻ, sau khi tiếp nhận câu trả lời, liền bắt đầu cuộc đàm luận như thường lệ. Sau nửa đời khắc nghiệt, bố tôi quan tâm nhiều hơn đến mục đích mưu sinh của việc đi làm và nhắc tôi hãy tính cho đường dài, nghĩ cho tương lai. 


“Đừng chỉ sống cho lý tưởng của riêng con. Con đâu chắc mình sẽ thoát được sự kiểm soát của tiền bạc? Kinh doanh rõ ràng sẽ mở ra một con đường dễ dàng và sáng lạn hơn cho con.” 


“Không có năng lực thì làm gì cũng chẳng dễ và sáng lạn nổi đâu bố. Vả lại, con chỉ cần kiếm đủ để sống đủ mà thôi. Bố cũng biết mà…” 


Dù không có cùng góc nhìn, nhưng lòng tôi vẫn nổi cơn hoang mang như cách nó vẫn làm khi nghe về điều nó chưa từng trải nghiệm. 


Không thích đoán 


Hẳn phải có lý do gì đó để cha mẹ nói riêng và người lớn nói chung luôn chạy đôn chạy đáo cho công việc, tương lai, và cụ thể hơn là tiền bạc và cơ hội. Tôi biết đây là một xu hướng - một xu hướng đã ăn sâu vào tiềm thức xã hội. Dù cho tôi có tuyên bố rằng mình muốn sống cho hiện tại và sống vì bản thân, có điều gì đảm bảo tâm hồn này sẽ không lung lay khi sống đơn lẻ trong một xã hội như vậy? 


Khi tuổi đời còn chưa chạm ngõ 20, ta đều không đủ mạnh mẽ để sống nguyên vẹn qua cơn sóng thần tương lai. Tôi có thật nhiều câu hỏi như vậy dành cho Vận Mệnh - những câu hỏi đi ngược lại Đức tin của tôi. Những chuyện tương lai, ta đều không thể tránh, nhưng cũng không có cách nào chuẩn bị chu toàn được cho chúng. Phỏng đoán là một thói quen xuẩn ngốc và ngạo mạn, khi ta đều cho rằng mình có khả năng tiên tri như vị thần Mặt Trời vĩ đại của Hy Lạp cổ. 


Tôi lại chẳng muốn làm một kẻ ngạo mạn và xuẩn ngốc. 


Gánh nặng “mang ơn” 


Tôi hy vọng mình sẽ có một cuộc đời đủ đầy. Mọi thứ chỉ cần đủ là đủ. Và bố mẹ cũng biết điều này, qua những lời nói bâng quơ mà cố tình trong bữa ăn. Đây là lý do tại sao tôi chẳng hề run sợ khi nghe quý ngài Lạc Quẻ và nhiều người khác nói rằng nghề này không kiếm ra tiền hay ngành này hạn hẹp cơ hội… Trừ khi hai chữ “gia đình” không được nhắc tới. Cuối cùng, tôi vẫn không cách nào phủi bỏ được nỗi lo “báo hiếu” - nguồn cơn thực sự làm ánh sáng lý tưởng của tôi vụt tắt. 


Khi nói về chuyện báo hiếu cha mẹ, tình thương không phải động lực duy nhất. Gánh nặng “mang ơn” cũng góp một phần không nhỏ khiến những người con ở khắp đây cùng đó cố bám trụ vào chặng đường báo hiếu chung không bao giờ trọn vẹn. Nói đúng ra là chẳng cách nào khiến nó trọn vẹn được. 


Vào thời điểm hành trình báo hiệu thực sự bắt đầu, chúng ta đều bị cuốn đến tương lai. Đó là điều kiện tối thiểu để ta có đủ tiềm lực báo hiếu cho cha mẹ. Ta kiếm được tiền và đưa bố mẹ đến khắp đây cùng đó. Ta có một gia đình nhỏ yên ấm để bố mẹ an lòng. Ta có nghề nghiệp ổn định để lo cho bố mẹ những lúc khó khăn. 


Ngược lại, cuộc đua về tương lai lôi ta xa dần khỏi quá khứ và hiện tại. Ta điên cuồng chạy theo công việc mà không thể dành thời gian ở bên bố mẹ như sự kề cận họ từng trao cho ta thời non trẻ. Xét về tình, đó là thứ họ cần nhất ở tuổi già. Nhưng xét về lý, ta cần nhiều hơn thế để thực hiện được nghĩa vụ trả ơn. 


Ai mới là người có thể đáp ứng cả lý lẫn tình? Và liệu một tương lai đủ đầy có cho phép tôi làm được điều đó? Khi mà chữ đủ này chỉ tương ứng với cuộc sống của một mình tôi. Hay rằng tôi sẽ nhắm mắt làm ngơ trước hành trình báo hiếu này, nếu Vận Mệnh cho phép?... 


“Con đâu thể chỉ sống một mình. Con còn bố mẹ, các em, và…” Quý ngài Lạc Quẻ đã nói với tôi như vậy khi chiếc xe dừng lại trước lớp học vẽ, chấm dứt cuộc trò chuyện chóng vánh nhưng đầy phiền ưu. 


Thật khó để sống một cuộc đời mà chỉ cần nghĩ cho bản thân. Chủ nghĩa cá nhân vốn không được nhiều người ủng hộ, nhưng kể cả người ủng hộ cũng chẳng có cơ hội sống theo chủ nghĩa đấy trong một xã hội thế này. Một xã hội không cho phép ta sống đủ. Hoặc nó muốn một vụ trao đổi sòng phẳng ở đây chăng? Thứ ta muốn ở nó là một cuộc đời đủ đầy, vậy nó muốn gì ở ta đây?  


Không thoát khỏi cám dỗ 


Sẽ có những khi, bản thể này chìm trong nỗi hổ thẹn. Sau khi đi khắp nơi rêu rao rằng bản thân muốn sống đủ, sống vì bản thân, sống cho hiện tại, thì nó vẫn nhiều lần phải tự đấu tranh trước những cám dỗ của Tương Lai và Vật Chất. Chạy theo chúng, tôi sẽ có thể đi khắp đây cùng đó như những gì mình ước ao. Chạy theo chúng, tôi sẽ thực hiện được lời hứa cùng cô em gái nhỏ. Chạy theo chúng, tôi sẽ xây được căn nhà đượm màu hương hoa trên đỉnh đồi lộng gió. Chạy theo chúng, ta đều có thể hiện thực hoá nhiều thứ cho kịch bản cuộc đời mà ta mong đợi… 


Nhưng sau khi chạy theo chúng rồi, liệu ta có còn muốn làm những điều ta từng ước ao và hứa hẹn không? Liệu ta sẽ lại đánh mất thứ gì khi mà quy luật trao và nhận đã cắm rễ vào con đường Vận mệnh? 


Sương mù tan khi lựa chọn đến


Lựa chọn là một nhiệm vụ khó khăn mà Vận Mệnh giao cho tôi, và cho mọi kẻ khác. Vạn vật đều bất toàn. Nó sẽ không thiên vị ai mà cho họ mọi điều họ muốn. Nó cho ta thêm một chút và lấy đi của ta một ít như một kiểu trao đổi sòng phẳng. 


Ta là ai mà cho rằng mình sẽ là ngoại lệ của Vận Mệnh? Sương mù là một hình phạt cho những kẻ tham lam muốn mình là một ngoại lệ. Sự trừng phạt sẽ chấm dứt khi ta đưa ra lựa chọn, và nói cho Vận Mệnh nghe về điều kiện của cuộc trao đổi… 


“Ngươi muốn gì và ngươi dám mất đi thứ gì? Hãy lựa chọn đi vì ngươi và ta đều chẳng còn nhiều thời gian để sống tham lam đến vậy.” 


Tác giả: Diệu Nguyễn

Nguồn ảnh: Pinterest


BẢN THẢO
Bài viết liên quan