Làm thế nào để vượt qua chủ nghĩa hoàn hảo?

Những người cầu toàn sẽ chỉ trích bản thân vì bất cứ thiếu sót nào, điều này ngăn cản họ tận hưởng sự hài lòng và niềm tự hào có được từ tất cả những gì bản thân đã hoàn thành tốt.

Bạn có phải là một người theo chủ nghĩa hoàn hảo không? Rất nhiều người có những đặc điểm giống với người cầu toàn và họ thậm chí tự hào về điều đó. Tuy nhiên, có những sự khác biệt cốt lõi giữa người cầu toàn và người cầu tiến - ở trong tâm thế cầu tiến sẽ tốt hơn rất nhiều cho sức khỏe và hạnh phúc của bạn. Nếu bạn có xu hướng cầu toàn, hãy tìm những chiến lược để vượt qua nó và tiến tới mục tiêu trở thành một người cầu tiến thuần túy. Chủ nghĩa hoàn hảo có thể tước đi sự bình tâm, niềm vui sống và sự tự tin của bạn. Mặc dù quá trình này đòi hỏi sự đầu tư thời gian và công sức, nhưng việc trút bỏ gánh nặng của chủ nghĩa hoàn hảo có thể làm giảm đáng kể mức độ căng thẳng mà bạn cảm thấy hàng ngày.


Sự khác biệt quan trọng giữa người cầu toàn và người cầu tiến


Photo by Cathryn Lavery on Unsplash


Trước khi đào sâu vào các chiến lược để từ bỏ chủ nghĩa hoàn hảo, bạn cần ghi nhớ những kiến thức căn bản về bản chất của nó; điều này có thể giúp bạn duy trì động lực để thay đổi. Sự khác biệt then chốt giữa người cầu toàn và người cầu tiến là: sự tập trung của bạn đặt vào đâu. Nếu bạn đang phấn đấu nhằm đạt tới sự xuất sắc thì bạn có thể hài lòng với những thành tích và học hỏi từ sai lầm của chính mình.


Chủ nghĩa hoàn hảo còn khác ở mức độ khắt khe: những người cầu toàn sẽ chỉ trích bản thân vì bất cứ thiếu sót nào, điều này ngăn cản họ tận hưởng sự hài lòng và niềm tự hào có được từ tất cả những gì bản thân đã hoàn thành tốt. Một trong những vấn đề lớn nhất mà những người theo chủ nghĩa hoàn hảo gặp phải là nỗi sợ - họ sợ rằng nếu họ ngừng việc nỗ lực đạt tới sự hoàn hảo thì họ sẽ trở thành những người an phận và mục tiêu của họ sẽ bị chệch hướng. Hãy trấn an bản thân rằng: Bỏ qua tâm lý cầu toàn thực sự có thể giúp bạn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình!


Trên thực tế, người cầu toàn không đạt được nhiều thành tựu bằng những người có thái độ lành mạnh hơn

bởi sự cố gắng hoàn hảo tước đi động lực của họ, thậm chí nó có thể dẫn tới sự trì hoãn và các hành vi tự hại khác.


Sau đây là một số bước quan trọng mà bạn có thể thực hiện để duy trì thái độ tích cực hơn.


Thực hiện phân tích Chi phí - Lợi ích


Hãy xem xét kỹ lưỡng hơn các đặc điểm cầu toàn của bạn. Có thể bạn nghĩ rằng bạn làm mọi việc hiệu quả hơn nhờ có chúng (mặc dù theo như nghiên cứu, điều này có thể không phải là sự thật). Tuy nhiên, cái giá phải trả là bao nhiêu? Chủ nghĩa hoàn hảo tiềm tàng rất nhiều hậu quả tiêu cực và có thể ngay tại thời điểm này, bạn đã và đang gặp phải một số hệ quả đó. Hãy lập danh sách tất cả những cách mà chủ nghĩa hoàn hảo đang làm tổn thương bạn (và những người xung quanh), bạn sẽ có động lực để loại bỏ những khuynh hướng này.


Photo by Alexander Mils on Unsplash


Nhận thức rõ những xu hướng của bản thân


Bạn có thể không nhận ra chủ nghĩa hoàn hảo có tính xâm lấn tới mức nào. Bằng cách nhận thức rõ hơn khuynh hướng của bạn thân, bạn sẽ có khả năng thay đổi chúng tốt hơn. Nếu có thể, bạn nên lưu lại những suy nghĩ cầu toàn mỗi khi chúng nảy lên trong tâm trí bạn. Trong trường hợp bạn không thể ghi lại suy nghĩ của mình ngay khi chúng xuất hiện, bạn hãy nhìn lại một ngày đã trôi qua vào mỗi tối và nhớ lại những lần bạn cảm thấy mình đã thất bại hay làm việc gì đó chưa đủ tốt, đồng thời viết ra cảm nghĩ của bạn lúc đó. Điều này sẽ giúp bạn nhận thức rõ hơn về những ý nghĩ cầu toàn khi chúng xuất hiện trong tương lai. (Thậm chí bạn có thể viết nhật ký về cảm xúc của bản thân đối với những suy nghĩ này, nhưng đừng cảm thấy “thất bại” nếu bạn không có thời gian để làm việc này!)


Tập trung vào những điều tích cực


Nếu bạn đang gặp khó khăn với chủ nghĩa hoàn hảo, rất có khả năng bạn đã mài sắc kỹ năng tìm ra lỗi sai của mình, ngay cả trong những thành quả tốt nhất của người khác và của chính mình. Có thể bạn chỉ tìm kiếm lỗi sai theo bản năng và chú ý tới nó nhiều hơn tất cả những thứ khác. Dù đây là một thói quen không dễ dàng từ bỏ, bạn có thể làm giảm khuynh hướng để ý tới nhược điểm bằng việc học cách tìm ra những ưu điểm trong công việc của bạn và thành quả của người khác. Ví dụ, nếu bạn phát hiện ra điều gì đó mà bạn không thích ở bản thân hay kết quả công việc của mình, hãy tìm ra 5 phẩm chất khác mà bạn thích. Việc này sẽ cân bằng tiêu điểm chỉ trích của bạn và trở thành một thói quen tích cực mới.


Thay đổi những cuộc đối thoại nội tâm của bạn


Những người vật lộn với chủ nghĩa hoàn hảo thường có một giọng nói trong tâm trí chỉ trích rằng việc họ đã làm không đủ tốt, họ đang không nỗ lực hết sức và ngay cả bản thân họ cũng không đủ tốt. Nếu bạn muốn vượt qua chủ nghĩa hoàn hảo, bạn cần cố gắng thay đổi giọng nói nhỏ bé này. Những cuộc đối thoại nội tâm tiêu cực có thể kéo dài hành vi không lành mạnh và làm tổn hại lòng tự tôn của bạn. Bằng cách thay đổi lối nói chuyện với chính mình, bạn có thể tiến đến việc tận hưởng cuộc sống và dần cảm kích bản thân cũng như thành quả của mình hơn.


Thực hiện từng bước nhỏ, đừng hối thúc bản thân


Những người cầu toàn có xu hướng đặt ra mục tiêu đạt tới sự xuất sắc một cách phi lý mà không có sự học hỏi hay tiếp thu. Những mục tiêu này thường không thực tế và gây ra nhiều vấn đề bởi chúng đòi hỏi quá khắt khe và gần như không cho phép xảy ra sai sót. Thay vì vậy, bạn có thể giảm sự căng thẳng đáng kể bằng cách thay đổi mục tiêu của mình. Bạn không phải từ bỏ kết quả cuối cùng, nhưng nếu bạn đặt ra từng mục tiêu nhỏ vừa sức mình và tự thưởng cho bản thân mỗi khi bạn hoàn thành chúng thì bạn sẽ dần trở nên khoan dung với những sai lầm hơn. Chẳng hạn, để trở nên cân đối hơn, có thể bạn sẽ tập luyện 5 lần một tuần. Tuy nhiên, nếu không quen với việc vận động thường xuyên thì người bạn sẽ đau ê ẩm vì sự thay đổi đột ngột ấy và bạn sẽ bỏ cuộc. Nhưng nếu bạn đặt mục tiêu tập thể dục 1 đến 2 lần vào tuần đầu tiên, rồi tăng thêm các buổi tập định kỳ cho đến khi đạt được mục tiêu ban đầu, bạn sẽ dễ dàng đạt tới đích đến cuối cùng hơn và tận hưởng nhiều “thành công” hơn nhiều trong quá trình này.


Photo by Jukan Tateisi on Unsplash


Hãy tận hưởng quá trình này 


Có thể bạn đã quen với việc chỉ chú tâm vào kết quả và tự dằn vặt bản thân nếu kết quả ấy không hoàn hảo. Gợi ý ở trên (hoàn thành từng mục tiêu nhỏ) có thể giúp bạn tạo ra một quá trình thú vị hơn từ nỗ lực của mình. Bạn cũng có thể tận hưởng quá trình hoàn thành một mục tiêu bằng cách kết nối với một nhóm những người cùng chí hướng với bạn, hoặc viết nhật ký lưu lại cảm nhận của bạn và những điều bạn đã học hỏi được trong quá trình phấn đấu. Nếu bạn cảm thấy mình chưa chạm đến sự hoàn hảo, hãy nhìn nhận lại tất cả những gì bạn đã đạt được chỉ qua việc hướng tới một mục tiêu xứng đáng, đánh giá và trân trọng những thành quả bạn đã đạt được trong quá trình này.


Một cách quan trọng để thoát khỏi chủ nghĩa hoàn hảo là bắt đầu tập trung vào quá trình đạt được mục tiêu,

thay vì chỉ tập trung vào bản thân mục tiêu ấy. 


Học cách xử lý sự chỉ trích


Nếu bạn có xu hướng nhìn nhận sự chỉ trích như một hình thức tấn công và phản ứng lại trong trạng thái phòng thủ thì việc thay đổi thái độ có thể sẽ giúp ích. Lời phê bình mang tính chất xây dựng có thể cho bạn các gợi ý quan trọng giúp bạn có thể cải thiện thành tích của mình, biến những kết quả chưa hoàn hảo của bạn thành bước đệm hữu ích dẫn tới sự xuất sắc. Nếu đó là sự chỉ trích châm chọc và gay gắt, bạn hoàn toàn có thể nhắc nhở người khác (và bản thân) rằng sai lầm là một cách tuyệt vời để học hỏi.


---

Dịch bởi: Stew

Biên tập: Ivoanh

Ảnh bìa: Photo by Fakurian Design on Unsplash

Nguồn bài gốc: How to Overcome Perfectionism

Available at: Scott, E. (2020). How to Overcome Perfectionism. Verywell Mind. Retrieved from https://www.verywellmind.com/overcoming-perfectionism-how-to-work-past-perfectionism-3144700.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan