Lăng kính màu bạc qua những cái mác.

Liệu nhãn dán vô hình có thực sự tồn tại trong nhân sinh quan của mỗi người hay không?

"Thế giới có muôn hình vạn trạng và đứa trẻ lớn lên cùng định kiến."


  • "Nhỏ đó giỏi mà xấu quá." , "Xấu mà cứ nghĩ mình đẹp."
  • "Rớt Đại học thì còn làm được gì nữa?", "Đề dễ như thế cũng không biết làm."
  • "Việc nhỏ nhặt như thế cũng không xong thì sau này làm nên cơm cháo gì?".


Chúng ta chắc hẳn đã hơn một lần phải trải qua những lời chế giễu, gièm pha sặc mùi định kiến tựa như thế. Và đã hơn một lần cảm thấy chán chường với thực tại, với những lẽ sống hữu hình vẫn đang tồn đọng ngoài kia? Vậy, những cái mác đó đã âm thầm tác động mạnh mẽ đến cảm xúc và đời sống chúng ta thế nào? Phải chăng là lúc bạn cảm thấy bản thân mình thật thấp bé giữa chốn đô thị phồn hoa rộng lớn này? Phải chăng là lúc bạn cảm thấy tự ti, bất mãn trong hàng nghìn ánh nhìn của thiên hạ? Và phải chăng là lúc bất lực trong những lần bật khóc, bạn thấy rằng cố gắng của mình không được ai công nhận?


Tôi cũng từng mặc cảm, tự ti khi bị tấn công tinh thần bởi những cái được gọi là nguyên tắc số đông. Vì bởi lẽ, trong cái xã hội đầy rẫy những khắc nghiệt này, tiêu chuẩn về cái đẹp luôn được đem ra để so sánh, đánh giá một cá thể; và sẽ dễ dàng hơn để khiến ai đó bị vứt đi bên lề xã hội nếu họ không đạt chuẩn. Số đông đã vô tình tạo nên những hiệu ứng tâm lý không đáng có trong đời sống nội tâm của mỗi người. Những cái nhãn mác không rõ hình thù ấy đã ảnh hưởng sức khoẻ, ăn mòn tâm trí và đình trệ lối sống của hàng nghìn những con người ngoài kia vẫn đang hằng ngày tự tranh đấu với bóng đen trong lòng mình. Không ngoại lệ, tôi cũng suýt chút nữa thì nghẹt thở mất. Vậy, muốn vượt qua nó thì làm sao đây?




Đừng sống mòn.



Nghe có vẻ giống như một lời khuyên, nhưng không phải. Vì thú thật, tôi chán ngắt với việc nhận được lời khuyên từ ai đó; lại càng vô nghĩa hơn khi phải đưa ra lời khuyên cho bất kì ai. Vì mỗi người là một bản thể riêng biệt; và không có quy luật hay nguyên tắc chung nào trên con đường đi kiếm tìm hạnh phúc. Bằng cách này hay cách khác, ai rồi cũng sẽ tìm thấy cánh cửa mở ra những bình yên cho riêng mình. Liệu ta có thể khuyên một người mắc trầm cảm ngừng suy nghĩ, dày vò bản thân và sống tích cực hơn không? Thế nên, thay vì đưa lời khuyên, tôi chọn cách lắng nghe; lắng nghe sự héo mòn bên trong mình, lắng nghe những nỗi niềm chưa bao giờ được bày tỏ.


Và về những định kiến, chúng có thể làm phật lòng, nhưng không thể quyết định được cuộc sống của ta. Chúng có thể lấy đi sự tự tin, nhưng chưa từng lấy đi của ai tất cả. Vậy nên, chỉ mong chúng ta đừng sống mòn trong những cái mác. Đừng sống mòn trong khi bạn có thể đứng lên và thay đổi cách nhìn về cuộc đời qua một lăng kính khác. Đừng sống mòn trong khi bạn là một tinh cầu duy nhất, khác biệt, độc lập và không giống bất cứ ai trên hành tinh này. Đừng sống mòn trong khi có thể vươn lên trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Và đừng sống mòn chỉ bởi vì chủ nghĩa của hai từ "hoàn hảo".


Đừng sống mòn ở đây không có nghĩa là phải cố với tới những thứ quá cao siêu, hay những việc không phù hợp với bản thân. Đôi khi nên cần một khoảng nghỉ ngơi cần thiết để nhìn lại những gì đã qua, những con đường đã khuất xa tầm mắt ấy. Dẫu có khó khăn cũng đừng ngại ngần chia sẻ tình trạng và cảm xúc của mình cho những người bạn tin tưởng nhất nhé! Hoặc nếu thấy khó quá, các bác sĩ tâm lí có thể lắng nghe bạn. Vì ngoài kia sẽ có người vực bạn dậy. Tuy nhiên, yếu tố tự mình đứng lên, tự thân vận động vẫn luôn đóng một mấu chốt quan trọng nhất trong việc tự chữa lành đứa trẻ bên trong mình. Ai có thể hiểu được bạn nhất, ngoại trừ chính bản thân bạn đây?



Tôi từng chứng kiến nhiều người bị body shaming đến nỗi tự cô lập mình với xã hội, trong đó có bản thân tôi. Tôi chứng kiến nhiều gia đình trách cứ, ruồng bỏ con cái chỉ vì nó không đỗ Đại học. Tôi cũng chứng kiến nhiều đổ vỡ trong những mối quan hệ đồng tính ở khắp các quốc gia nơi họ không được chấp nhận. Xã hội ngày nay thậm chí còn tồn tại những quan niệm lỗi thời, những định kiến tiêu cực về khả năng lãnh đạo của phụ nữ và duy trì bình đẳng giới; các chế độ phong kiến ẩn mình liên quan đến phong tục trọng nam, khinh nữ. Đây chỉ là các ví dụ điển hình của hệ quả mà những cái mác mang lại mà thôi.


Tôi muốn nhắc lại rằng: không ai có thể chọn vẻ ngoài cho bản thân từ khi sinh ra. Bạn không xinh đẹp nhưng bạn có thể học cách chăm sóc bản thân, học cách biến những gièm pha thành động lực để phát triển và thay đổi những định kiến. Tôi đã đọc được một nhận định rất hay của nhà văn Sándor Márai trong một quyển sách rằng: “Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất.” Đối với tôi, bạn mềm yếu cũng được, bạn khóc nhè cũng được; nhưng sau đó bạn hãy đứng lên, bạn đừng buông bỏ. Về chuyện học Đại học, tôi thấy rằng ngày nay xã hội thường đặt nặng vấn đề này. Có lẽ mọi người đã nghe qua rất nhiều lần, Đại học không phải là tất cả, đó chỉ là con đường ngắn nhất để đi đến thành công thôi. Bạn có thể không học Đại học, nhưng không nên cho phép bạn thân mình ngừng học, dù ở bất kì môi trường nào. Tôi nghĩ quan điểm này rất rất cũ so với ngày nay vì có nhiều người trẻ đang lạm dụng điều này để biện hộ cho sự lười nhác và vô trách nhiệm với chính cuộc đời mình. Vì vậy, chỉ mong thay vì mải mê cắm đầu vào những thứ vô bổ trên mạng xã hội hay ngoài đời sống, chí ít mỗi người chúng ta nên tự một lần ngồi lại với đống suy nghĩ của mình, tìm ra xem sứ mệnh của mình đến với cuộc sống này là gì? Bạn là ai và tại sao bạn thích làm điều đó?...


Tôi không chọn cách sống mòn, còn bạn?



Đã đến lúc nên sắp xếp lại căn gác tâm hồn.


Sau khi bước ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện sinh, tôi đã tìm lại được một vài thứ bị đánh mất đằng sau ngưỡng cửa tâm hồn mình. Tôi chấp nhận bản thân có mang chút hơi hướng dị biệt. Tôi nhận ra mình không thể hoà tan. Đúng rồi, tôi phải sống cuộc đời mình chứ. Không xinh đẹp thì đã sao? Có ai được chọn xuất phát điểm cho mình từ khi sinh ra không? Xã hội này không là tôi và tôi cũng không sống cuộc đời của cả xã hội. Đừng vì những cái mác mà chối bỏ quyền sống của mình.


Tôi biết.


Tôi biết có những đêm không ngủ được, bạn đã đau đớn khóc thầm trong bể hồ tiêu cực mà mình tự tạo ra. Bạn cảm thấy mình thật xấu xí, nguệch ngoạc, bất tài, nhiều khiếm khuyết hay thậm chí nhiều lần đã nghĩ đến việc tự giải thoát cho bản thân để sống một cuộc đời mới ở vạch đích trong kiếp sau. Nhưng bạn tôi ơi, điều gì đã khiến bạn suy nghĩ như thế? Có phải vì những cái nhãn mà người đời gắn lên trong tâm trí bạn hay không? Tôi không nghĩ mình có thể hiểu hết được bạn, vì tôi không biết bạn đã trải qua những gì. Nhưng thực sự mà nói, đối với tôi bạn rất tuyệt vời, bạn đã làm rất tốt. Bạn xinh đẹp theo cách riêng của bạn, miễn là bạn không ngừng cố gắng. Và sự tồn tại của bạn đã là một bản thể đặc biệt, duy nhất đối với thế giới này rồi. Hay là cứ mặc kệ chúng đi, sống cuộc đời của mình, bạn nhé?



Và nếu bắt tôi đưa ra một lời khuyên duy nhất, thì đó chính là: hãy cứ làm đi, cứ làm những gì bạn thấy thích và phù hợp với bản thân. Sai thì làm lại. Hãy cứ thử đi, đừng giới hạn bản thân trong bất cứ qui định hay giới hạn nào cả. Rào cản lớn nhất ngăn bạn đến thành công là chính bạn. Lăng kính cuộc đời nở hoa hay úa tàn phụ thuộc vào ánh nhìn của bạn trước những bão giông của cuộc đời.


Nhưng cũng đừng vì thế mà sống một cách thụ động, tự tại và an yên nhé. Không phải lăng kính nào cũng cân bằng màu bạc, sẽ có những lúc bạn cần học cách thay đổi và thích nghi.


Sau cùng thì, tự ti có hoàn toàn đáng sợ không?


Tôi nghĩ là không. Cứ nghĩ như vầy nhé, nếu cứ luôn suy nghĩ tích cực thì bạn sẽ chẳng bao giờ nhận ra được những thiếu sót của bản thân mình và thay đổi chúng. Bạn cần những nỗi tủi thân, những nhãn dán vô hình như một động lực để xây dựng trọn vẹn một bản ngã hoàn chỉnh, để có thể sống tốt hơn. Nhưng xin đừng biến tự ti thành nỗi sợ hãi, thành căn bệnh tâm lí trong bất kì hoàn cảnh nào.


Tôi không cổ xúy cho việc tự xem thường bản thân hay những suy nghĩ tiêu cực về khuyết điểm cũng như thành tựu của mỗi người; nhưng chí ít, tự ti cũng không hoàn toàn đáng sợ như người ta vẫn nói. Thực ra đôi khi một vài lần trong cuộc đời, bạn cần một chút tự ti để biết rằng bản thân mình cần phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để có cuộc sống hạnh phúc. Giá trị bản thân là nền tảng cốt lõi và thiết yếu để đưa những mối quan hệ và chất lượng cuộc sống vượt lên trên tất thảy.




Vì guồng quay cuộc sống càng khắc nghiệt, dũng khí đi tìm hạnh phúc càng mạnh mẽ.



Tác giả: May

BẢN THẢO
Bài viết liên quan