Liệu chúng mình có thể chạm đáy nỗi đau?

Cảm xúc nhận thức, hành vi và mã gen có thể giúp chúng mình vượt qua ngưỡng đau cao nhất. Nhưng người ta chỉ xây dựng được thang đo cho nỗi đau vật lý và thật khó để đo lường nỗi đau tinh thần - thứ mà mỗi người, mỗi khác.



Bạn đã trải qua điều gì khiến bản thân cảm thấy đau nhất? Liệu chúng ta có thực sự chạm được đáy nỗi đau?



Về mặt vật lý, cơ thể người chịu đựng được tối đa cỡ 45 đơn vị đau (del unit). Trong nhiều tình huống, con số có thể cao hơn như khi mẹ sinh em bé (57 unit). Tuy nhiên, cảm xúc nhận thức, hành vi và mã gen có thể giúp chúng mình vượt qua ngưỡng đau cao nhất. 

Nhưng người ta chỉ xây dựng được thang đo cho nỗi đau vật lý và thật khó để đo lường nỗi đau tinh thần - thứ mà mỗi người, mỗi khác.


Và nếu có một thang đo tinh thần, tớ không biết liệu sẽ công bằng không khi so sánh nỗi đau của người này thấp hoặc cao hơn nỗi đau của người khác. Bởi trên thực tế, người ta vĩnh viễn không thể hiểu được những hoàn cảnh mình chưa từng trải qua. Trong cuốn sách tớ đọc có tên Văn minh phương Tây và phần còn lại của thế giới, có một đoạn ngay lời nói đầu đại ý như này: Chúng ta không thể hiểu được người khác, đơn giản vì chúng ta không phải họ. Con người chỉ cố dùng sự tưởng tượng để giả định nếu mình cũng đi vừa đôi giày đó, cũng bước trên con đường đó vào đúng đêm tối ấy thì sẽ ra sao. Nói cách khác, trí tưởng tượng là thứ giúp chúng ta đồng cảm. 


Không phải lúc nào chúng mình cũng hiểu cho nỗi đau người khác


Nhưng bọn mình đều là những đứa trẻ bằng da bằng thịt, lớn lên từng ngày và trải qua đủ chuyện. Sẽ thật khó để bắt ai đó loại bỏ hoàn toàn thiên kiến, cảm xúc, trải nghiệm cá nhân mà đồng cảm với nhiều điều diễn ra trên thế giới này. Vậy nên, có đôi khi chúng mình coi nhẹ nỗi đau của người khác, chìm đắm vào nỗi đau của bản thân. Thậm chí tệ hơn, chúng mình dùng nỗi đau này để khỏa lấp đi một nỗi đau khác. Và tệ nhất, chúng mình làm tổn thương người bên cạnh chỉ vì bản thân đang đau. 


Có một giai đoạn tớ khủng hoảng vì công việc rồi thất vọng về bản thân. Khủng hoảng phát điên ấy vì cảm thấy mình nhỏ bé, bất lực, ích kỷ và trở nên lệ thuộc. Tớ uống thuốc giảm đau mỗi ngày, bấu víu vào tất cả các group chat hay người này người kia. Tớ đếm từng sáng trôi qua, cảm thấy bị siết chặt mỗi khi bước lên xe bus đi làm, cảm thấy không nỡ ngủ khi ngày chủ nhật trôi qua nhanh quá. Cái nỗi đau của tớ khi ấy, đến cả chuyện thất tình cũng không ăn thua gì. 


Hồi đó, tớ tưởng mình thông minh và hiểu chuyện lắm. Trong một lần nhắn tin với người bạn vừa chia tay, tớ bảo rồi sau này mày sẽ thấy chẳng ai đủ sức làm mình đau đâu. Chỉ có mình mới khiến bản thân đau khổ chân thực nhất. Mấy thứ ngoại lực bên ngoài rồi sẽ có ngày biến mất tiêu, sạch bong như thể chỉ là chuyện của người khác. 


Nỗi đau cuốn chúng mình khỏi những thứ tốt đẹp khác


Khi ấy, tớ biết những đau khổ tớ đang chịu đựng xuất phát từ bản thân mình, thế nên tớ tự coi thường nỗi đau do người khác mang lại. Tớ quên mất cô bạn đã yêu sâu đậm thế nào, hy vọng ra sao, đơn độc và oán giận bao nhiêu ngay giây phút đó. Thay vì an ủi bạn mình, tớ đã dùng cái đau của bản thân để cứa thêm một tầng vào nỗi đau của người khác.


Không quan trọng là chúng ta có thể chịu đựng một nỗi đau tới giới hạn nào. Quan trọng là chúng ta đừng lãng phí nỗi đau ấy bằng cách để nó nhấn chìm hay vung vẩy nó vào thế giới những người bên cạnh. Sau này, tớ hối hận biết bao nhiêu vì mọi điều tớ đã nói với bạn bè, về những cuộc gọi tới cọc cằn với mẹ, về mọi điều xấu xa tớ gán cho thế giới này đang bỏ rơi mình. 

Ngay trong thời điểm tớ đau, tớ chỉ làm ngưỡng đau rộng hơn thay vì vỗ về nó, tôn trọng nó và để nó an ủi chính mình. Nỗi đau không hề xấu. Khoảnh khắc ấy, cái sự nóng vội cùng ích kỷ của tớ mới là xấu xa.


Nỗi đau cũng cần được trò chuyện và học hỏi


Hóa ra nỗi đau cũng cần được trò chuyện bất kể nó to hay nhỏ, lớn hay bé, từ bên trong hay bên ngoài.


Nỗi đau khi bị bồ bỏ chẳng có gì là vô nghĩa so với nỗi đau của một bà mẹ mất con.


Nỗi đau của người bị cách ly chẳng có gì là dễ chịu hơn nỗi đau của người đang nằm viện.


Nỗi đau của cô bán rau những ngày này chưa chắc ít nặng nề hơn nỗi đau của người bác sĩ hàng tháng rồi không được về nhà kia.


Vì chúng ta không phải là nhau, vĩnh viễn chẳng có ai hiểu được người khác sẽ đau đến thế nào. Nhưng nếu được, chúng mình hãy học cách thông cảm và đừng mong đợi nhận được nhiều sự cảm thông đến thế. Thông cảm giúp chúng mình đối xử với thế giới dịu dàng hơn, cũng cởi mở với chính bản thân hơn. Còn mong đợi khiến chúng mình có những lần hờn dỗi khi không được đáp ứng kỳ vọng. Hơn cả việc mong người khác sẻ chia, hãy thử sẻ chia với mình trước.


Hít một hơi thật sâu.

Đặt cho bản thân nhiều câu hỏi: Mình đang đau đớn vì điều gì? Tại sao mình lại có phản ứng ấy? Mình đã làm gì trong khi đang đau đớn?,...

Nghe một bài nhạc. 

Chỉ trò chuyện khi thật sự thấy cần.

Cố chịu đựng cơn đau đến khi cảm thấy không thể tiếp tục nữa.

Đẩy nỗi đau về phía sau bằng một công việc mới, nơi ở mới, thói quen mới.

Đó là tất cả những gì tớ đã làm để vượt qua lần bản thân thấy mình đau khổ nhất. 


Không có nghĩa rằng nỗi đau sẽ không lặp lại, không chắc rằng tớ có thể ứng dụng công thức này thành công trong những lần tiếp theo. Con người hay quên, đôi khi chúng mình phải học lại cho nhớ. Nhưng hơn hết, tớ biết mình cần làm gì khi đối mặt với nỗi đau dù chúng vẫn choáng ngợp và làm tớ buồn đến tận cùng thế giới. Cơ mà chỉ cần tớ muốn vượt qua nỗi đau ấy, tớ cũng có vài gạch đầu dòng để bắt tay làm luôn.


Còn bạn, bạn chịu đau đến ngưỡng bao nhiêu? Bạn có lãng phí giới hạn đau của bản thân không? Hãy kể với tớ cách bạn vượt qua những cơn đau nhé!


Tranh của @@linda_valere

Tác giả: Hà Nguyễn



BẢN THẢO
Bài viết liên quan