Một vài suy nghĩ về vô cảm

Vô cảm nhiều khi được coi như sự thờ ơ, là sự thiếu hay yếu cảm nhận về xung quanh, ức chế đối với các kích thích, thiếu nhạy cảm, mất hứng thú trong các hoạt động, thiếu sống động, trở nên máy móc.


Đi tìm kiếm nguyên nhân về vô cảm một chút, vì tôi vẫn cho rằng cái gì cũng có nguyên nhân của nó, chỉ có điều, người ta có khả năng hiểu hay không, có muốn hiểu hay không.


Và như vậy là tôi luôn cố gắng thực hiện bài tập về nhìn, rằng điều gì ở đằng sau những biểu hiện, điều gì khiến sự thể hiện thành ra như vậy.


Vô cảm nhiều khi được coi như sự thờ ơ, là sự thiếu hay yếu cảm nhận về xung quanh, ức chế đối với các kích thích, thiếu nhạy cảm, mất hứng thú trong các hoạt động, thiếu sống động, trở nên máy móc. Nhưng cũng không có nghĩa là những người nhiệt tình, hoạt náo là những người không vô cảm, có thể là một cái vỏ bọc khác cho sự vô cảm bên trong.


Cái tôi con người hoạt động theo nguyên tắc thích nghi thực tế. Trong quá trình lớn lên, xã hội hóa, ở góc độ tâm trí, chúng ta hình thành những cách vận hành bên trong để chúng ta có thể cân bằng một cách tương đối, trước các tác động, đòi hỏi của việc gia nhập xã hội. Và ở nhiều người, vô cảm trở thành một cách vận hành của tâm trí, theo tôi, nó nhằm mục đích cô lập chúng ta khỏi thôi thúc bản năng – xung năng sống – nguồn năng lượng lớn vô cùng, để đáp ứng với đòi hỏi của môi trường sống. Chúng ta không nên cảm thấy sung sướng, hưởng thụ, vui vẻ. Lúc nhỏ chúng ta cần phải biết vâng lời. Dần dần, theo thời gian, chúng ta được cài đặt nhiều hệ giá trị, tư tưởng, mà do đó cái cá nhân (phần riêng nhất, phần bản tính nhất, phần mà người ta hay nói “là chính mình”) cứ nhỏ dần đến nỗi (có thể) biến mất. Cái mối quan hệ quan trọng nhất – với bản thân mình – lại trở nên mờ nhạt nhất. Không vong thân thì là gì?


Vì vậy, vô cảm trở thành “cứu cánh”. Vô cảm giúp cho mình dễ sống hơn, vật vờ nhưng còn sống nổi. Vô cảm giúp ta không cảm nhận được đau khổ bên trong, đồng thời cũng giảm bớt đến tối thiểu khả năng đồng cảm với người khác, vô cảm giúp ta lờ đi những tiếng nói không lời, khả năng giao tiếp hạn chế như có thể. Và đáng tiếc là, vô cảm giúp không chịu đựng, nhưng cũng khiến cho con người không cảm được niềm vui nữa. Do đó, vô cảm còn là cái bóng của nỗi sợ hãi, thiếu có khả năng đối đầu, không dám cáng đáng điều gì, tốt hơn cả là để bị dẫn dắt, có ai đó chịu trách nhiệm giùm, và chỉ là người thực thi mà thôi. Điều “tuyệt diệu” là vô cảm có một cái vỏ bọc ngụy biện cực kỳ thông minh, con người tự lừa chính mình là thế.



Và đã là cơ chế vận hành, nghĩa là máy móc rồi, và cứ một cách cứng nhắc mà hoạt động thôi. Và thế là, con người cũng trở thành cái máy: nhìn mà chả nhìn thấy, nghe mà chả nghe thấy, muốn cảm mà chả cảm thấy gì cả.


Tôi nghĩ, sự thay đổi không đến từ hô hào, rằng đừng vô cảm nữa, hãy nhiệt huyết lên, bla bla, nó “chỉ” đến từ việc hiểu, từ nỗ lực giành lấy đời sống cho chính mình, để từ đó, mới có thể có hành động và những điều vì người khác sẽ đến tiếp theo sau. Việc ra khỏi sự vô cảm, bắt đầu từ việc giải dồn nén, nó sẽ đối mặt trước hết với đau khổ, với rất nhiều nước mắt. Nghĩa là, để cảm nhận cuộc sống này, đòi hỏi bạn có sự dũng cảm, có thể đối mặt với tổn thương, mất mát, hụt hẫng. Nhưng sẽ đến lúc, bạn cũng sẽ rơi lệ vì hạnh phúc nữa.


Cái chết là việc từ bỏ cái thung lũng nước mắt. Câu nói này thật là đẹp. Nó nói rằng cuộc sống này thật nhiều khó khăn, thật nhiều chông gai, thử thách tưởng chừng không vượt qua nổi. Bạn có chỉ muốn một cuộc sống yên bình: hoặc là cứ tiếp tục ở lại với vô cảm, hoặc bạn sẽ ở Thiên đường.


Sau khi viết xong status, tôi thấy cần phải bổ sung, có 2 kiểu người vô cảm:

– Một là người “bị” trở nên vô cảm, bài viết trên tôi mô tả về kiểu người này.

– Hai là người vô cảm “bẩm sinh” – tức là, theo quan điểm phân tâm, vì một lý do nào đó, tổ chức tâm trí của họ không tiến lên các giai đoạn sau của phát triển tâm – tính dục, và kiểu người này thì không dễ để “sửa chữa” – tôi sẽ dành thời gian mô tả sự hình thành nó, nhưng điều đó không quan trọng bằng việc nhận diện khuôn mặt này, mà tôi sẽ giới thiệu thông tin tiếp tục sau.


Ngô Thị Thu Huyền

Theo ngocquocviet.wordpress.com 

BẢN THẢO
Bài viết liên quan