Nếu có một ngày, người mà bạn thương, tự sát?

Người ta hỏi tại sao một “đứa trẻ” 18 tuổi lại chọn lìa xa cõi đời này? Nhưng người ta không hỏi lí lẽ nào ngăn cấm một “đứa trẻ” 18 tuổi được đi đến một vùng trời tự do hơn? Người ta hỏi vậy rốt cuộc cậu đã giải thoát hay trốn chạy?


Bạn đã bao giờ cảm thấy ngột ngạt giữa một đám tang chưa?


Một đám tang xám xịt nơi trái tim bạn, chéo chồng với một đám tang lạnh buốt nơi thực tại của người bạn hết mực thương mến.


Đám tang là nơi…


Những nghi thức, tiếng kèn trống dội liên hồi, không gian bắt đầu rung lên.

Dòng người mặc đồ đen, thất thần, than khóc, bọng mắt đỏ au, đi đi lại lại.

Những lần cúi đầu rất khẽ, tiếng ì xèo của bàn dân quanh sự ra đi đột ngột của một người, mà giờ đây chỉ còn hiện hữu qua một bức ảnh vuông vức. Họ đưa ra một vài luận định: bị gia đình bạo hành, bị áp lực thi cử, bị bệnh hiểm nghèo mà giấu, trường hợp xấu nhất là bị trầm cảm chăng... vì một sự từ trần không thể đột ngột như thế ở tuổi đôi mươi.


Tôi cứ đứng như bị đóng dính trên mặt đất, thấy lòng mình vỡ vụn, nặng trịch và đờ đẫn.


Tôi mơ hồ gần nửa giờ đồng hồ trước linh cữu của cậu. Tua chậm lại dải băng kí ức về hình ảnh một người em rất hiền và lém lỉnh. Thầm gọi tên cậu, nén nước mắt tới căng chặt, để rồi òa khóc nức nở, thành từng giọt tan ra rất khẽ.


Ngày hôm ấy, tôi mất đi một người.


Người ta chọn mô tả về trầm cảm qua nhiều cách thức. Những hình ảnh ẩn dụ biểu đạt bằng ngôn ngữ, hội họa, một phần là để mô tả những trạng thái như vậy. Ta có thể tìm thấy sự cô đơn, nỗi bất an thông qua những tác phẩm của danh họa Goya, Gauguin, và không còn xa lạ gì, đó là Van Gogh. Nhưng hình như người ta không tin lắm chuyện một người thân của họ, sẽ có một ngày gặp chuyện bất ổn về tâm lý.


Tôi nhận ra, khi đứng giữa đám tang của người ấy. Tôi nghe phong thanh những âm rỉa rỉa như quạ mổ: “Hình như nó bị trầm cảm”/ “Không thể có chuyện ra đi đột ngột như thế”/ “Kết quả giám định pháp y sao? Hoàn toàn bình thường ư? Vô lý”


Nhưng có còn quan trọng không, khi người ấy thực sự đã rời bỏ thế giới này.



Không một lời từ biệt. Không một lời oán than. Không một dấu hiệu báo trước. Chỉ là một buổi sáng đầy sương và gió lạnh, cả gia đình bất thần khi nghe tin dữ.


Người ta nhìn thấy cậu đang “thả mình” lơ lửng trên một cành cây bên kia cánh đồng, vắng người qua lại nhưng ngập tràn hơi thở của sự tự do.


Người ta tìm thấy bảy chữ vỏn vẹn quanh đó, như một lời trăng trối sau cùng của cậu “Tới lúc rồi, tôi đi tìm tôi”.


Cậu điềm nhiên ra đi, để lại hàng ngàn câu hỏi tại sao, bủa vây lấy những người đang sống.


Người ta hỏi tại sao một “đứa trẻ” 18 tuổi lại chọn lìa xa cõi đời này? Nhưng người ta không hỏi lí lẽ nào ngăn cấm một “đứa trẻ” 18 tuổi được đi đến một vùng trời tự do hơn?


Người ta hỏi vậy rốt cuộc cậu đã giải thoát hay trốn chạy?


Người ta hỏi vậy rốt cuộc cậu đã uất ức tột độ hay thanh thản nhẹ nhõm?


Người ta hỏi vậy rốt cuộc cậu đã quyết định bồng bột hay là một sự vạch định đầy lí trí?


Người ta hỏi, vì người ta không biết.


Không ai cả.


Trừ cậu. Đã khéo gói ghém tất cả bí mật từ kiếp sống này tới một kiếp sống khác.



Và sau biến cố ấy, tôi nhận ra, đám tang không đáng sợ, những ngày phải đối diện với nỗi đau sau đám tang mới đáng sợ. Tôi cố gắng “đứng vững”, vẹn “nghĩa tử là nghĩa tận” với cậu. Rồi thì tôi cũng phải trở về, với hàng ngàn suy nghĩ rất lung.


Tôi đã ước giá như mình tử tế với người ấy hơn thì có lẽ, chỉ là một chút có lẽ thôi, kết cục này không tới. Tôi đã ước tôi không báo hủy những cuộc hẹn với cậu chỉ vì “cày cố deadline”. Tôi đã ước tôi nhìn sâu hơn, lâu hơn vào đôi mắt biết cười ấy, để biết ẩn sau là những nỗi buồn ngày ngày phải kìm nén, trực chờ tràn lăn nước mắt. Tôi đã ước tôi nhận được một tín hiệu nào đó cầu cứu từ cậu. Tôi đã ước, những điều vô dụng.


Tôi còn nhớ, thật sắc nét, rằng tôi nói với cậu: “Em mang dáng vẻ của một người đàn ông trưởng thành và mạnh mẽ, nếu em là một nhân vật trong vai phản diện, chắc chắn sẽ sống sót tới tận lời tái bút đấy”. Thế rồi sao? Sao mà có thể tin, người đàn ông mạnh mẽ ấy, đã đi thật xa, cho dù có nối bao nhiêu chặng bay, cũng chẳng thể tìm lại nữa.


Sau đám tang, người ta buông những lời nhẹ tựa lông hồng như “Cuộc đời đẹp vậy. Tại sao lại VÌ TRẦM CẢM mà dại dột chọn cái chết?”. Nhưng bạn có công nhận rằng ai trong chúng ta cũng sợ phải chết đi không? Không dễ dàng gì khi một người chọn kết liễu đời mình. Đối lập với trầm cảm không phải là hạnh phúc, mà là có sinh lực, mất đi sinh lực, người ta dựa vào gì để sống tiếp đây? Tôi không cho những quyết định đau đớn này, đến từ sự bồng bột. Tôi tin rằng quyết định đến từ sự thu nạp của rất nhiều dũng khí, sự gom góp đủ những tuyệt vọng, sự tin tưởng vào một kiếp khác.


Thế giới này, mong cầu không còn ai vì trầm cảm, mà rời đi.


Thế giới này, mong cầu không còn ai bỏ mặc ai… rời đi như thế.


Thế giới này, mong cầu không còn những "giá như" muộn màng của những người còn đang sống.


Tác giả: Thìa Matcha

——————

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: https://tinyurl.com/cuocthiVDTT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành"

Với mong muốn lan toả điềm đam mê viết lách người trẻ Việt, A Crazy Mind hiện tại đang tuyển dụng liên tục các tác giả trên cả nước. Thông tin chi tiết về tuyển dụng vui lòng xem tại: https://tinyurl.com/tacgiaACM


BẢN THẢO
Bài viết liên quan