Những Điều Bạn Cần Biết Về Rối Loạn Ăn Uống

Rối loạn ăn uống xảy ra khi một người không thể kiểm soát được mối liên kết giữa bản thân và đồ ăn. Điều này biểu hiện qua nhiều cách khác nhau: Người thì ăn quá nhiều, người thì ăn …
Rối loạn ăn uống xảy ra khi một người không thể kiểm soát được mối liên kết giữa bản thân và đồ ăn. Điều này biểu hiện qua nhiều cách khác nhau: Người thì ăn quá nhiều, người thì ăn quá ít, người thì lại cố thay đổi quá trình hoạt động thể chất tự nhiên của việc ăn.Rối loạn ăn uống thường xảy ra do con người  phức tạp hóa mối liên hệ với thức ăn và cơ thể, họ cố gắng kiểm soát cơ thể thông qua tập thể dục, uống thuốc hoặc ăn kiêng. Một số người lại lạm dụng đồ ăn để làm dịu cảm giác buồn chán, đau khổ. Rối loạn ăn uống không chỉ đem đến những cảm xúc tiêu cực mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe thể chất. Trong trường hợp nghiêm trọng, rối loạn ăn uống thậm chí có thể gây tử vong. 

NHỮNG RỐI LOẠN ĂN UỐNG THƯỜNG GẶP

Cẩm nang “Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần (DSM)” được các chuyên gia sử dụng để chẩn đoán các tình trạng sức khỏe tâm thần. DSM không liệt kê tất cả các vấn đề ăn uống và thực phẩm có thể xảy ra. Tuy nhiên, nó liệt kê ra các trường hợp phổ biến nhất và cách nhận biết chúng.Sáu loại rối loạn ăn uống cụ thể được liệt kê trong DSM là:

1. Háu ăn: ăn quá nhiều, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm trong một khoảng thời gian ngắn. Người đó thường cảm thấy dường như không kiểm soát được việc ăn gì hay khi nào thì ngừng lại. Sau đó họ sẽ cảm thấy xấu hổ hoặc hối tiếc về việc mình đã ăn bao nhiêu. Hành vi háu ăn này thường xảy ra ít nhất một lần một tuần.

2. Chứng ăn ói: là vòng tròn kết nối giữa háu ăn và nhịn ăn. Một người sẽ có giai đoạn ăn vô tội vạ, sau đó họ cảm thấy tội lỗi và bối rối. Họ bắt đầu đi tìm kiếm các biện pháp cực đoan để tránh tăng cân từ việc ăn uống vô tổ chức. Người đó cố đẩy thức ăn từ cơ thể ra bằng cách nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng, hay cắt giảm calo bằng cách ăn chay hoặc tập thể dục quá mức. Thông thường một người mắc triệu chứng ăn ói sẽ có cân nặng nằm ở mức ngang bằng hoặc vượt qua mức trung bình.

3. Chứng chán ăn tâm thần: hạn chế thực phẩm một cách cực đoan. Giống như chứng cuồng ăn, chứng chán ăn liên quan đến nỗi sợ hãi tăng cân hoặc béo phì. Ngay cả khi gầy trơ xương, họ sẽ luôn thấy mình là người thừa cân.

DSM xác định hai được 2 loại hình chán ăn: Hạn chế dung nạp thực phẩm: Loại này phổ biến hơn trong hai loại. Người ta sẽ giảm cân bằng cách ăn rất ít thức ăn. Họ có thể tập thể dục rất nhiều để đốt cháy từng chút calo đã nạp vào.

Ăn uống vô tội vạ/Nôn ói: Người mắc chứng này cũng có thể không ăn kiêng. Tuy nhiên, họ cũng sẽ trải qua thời kỳ ăn uống vô tội vạ và nôn ói. Không giống như một người mắc chứng cuồng ăn, người này có thể sẽ bị thiếu cân.

4. Rối loạn ăn uống hạn chế/kiêng khem (ARFID): tình trạng một người không ăn đủ các loại dinh dưỡng và năng lượng cần thiết trong ngày.

Không giống như chán ăn, ARFID hiếm khi liên quan đến nỗi ám ảnh nào về cân nặng. Một số người bị ARFID thường từ chối ăn vì họ không thích vị, mùi hương hoặc trạng thái của đồ ăn (như giòn, mềm, ướt…). Nếu ai đó từng trải qua nghẹt thở hoặc nôn mửa một cách nghiêm trọng, kí ức đó cũng có thể dẫn đến ARFID. 

5. Pica: là một triệu chứng hiếm gặp hơn, người mắc chứng này ăn các chất không phải là thực phẩm, chẳng hạn như đất sét, giấy, xà phòng, phấn, bùn hoặc bột giặt. Một người có thể bị thu hút ăn đất sét, giấy, xà phòng… do kết cấu, hương vị của nó. Hành động ăn các chất này có thể làm người đó thư giãn. Triệu chứng Pica thường được tìm thấy ở một số đối tượng cụ thể, bao gồm người lớn bị thiếu sắt, phụ nữ mang thai và trẻ em.

6. Nhai lại: xảy ra do sự vận động lên xuống không thể kiểm soát của thức ăn trong cổ họng. Sau khi ợ thức ăn lên, người đó có thể nhai và nuốt thức ăn một lần nữa, hoặc cũng có thể nhổ thức ăn ra. Nếu bạn bị đau dạ dày, và việc ợ thức ăn lên là triệu chứng của đau dạ dày thì không được tính vào loại rối loạn thứ 6 này.

ĂN KIÊNG QUÁ MỨC

Không phải tất cả các vấn đề ăn uống và thực phẩm đều phải thuộc sáu loại trên. Chỉ cần một biểu hiện gây ra phiền phức và ảnh hướng đến cuộc sống ăn uống hàng ngày, nó có thể được coi là rối loạn ăn uống. Không cần chẩn đoán, một người cũng có thể tự nhận ra vấn đề của mình.

Nhiều người có thể ăn kiêng mà không làm ảnh hưởng tới cơ thể. Nhiều người cố gắng giảm cân bằng cách giảm lượng calo hoặc tránh một số loại thực phẩm nhất định. Những người khác ăn kiêng để tránh bị dị ứng thực phẩm hoặc thanh lọc cơ thể của họ. Nhưng nếu họ đang kiêng khem quá mức, nó có thể gây tác dụng ngược và làm tổn hại sức khỏe của chính mình.  

Như thế nào là một chế độ ăn uống kiêng khem quá mức? Nó có thể là nhịn ăn hoặc nạp quá ít calo trong thời gian dài, hoặc là nỗi ám ảnh với việc ăn một số loại thực phẩm. Nếu ai đó quá quan tâm đến chế độ ăn uống lành mạnh, họ thà đói hơn là ăn thức ăn mà họ nghĩ là “có hại”, họ có thể gặp vấn đề về ăn uống. Chế độ ăn kiêng khắc nghiệt có thể gây tổn hại nghiêm trọng đế n sức khỏe thể chất và tinh thần. Nếu ăn không ăn đủ bữa, bạn có thể gặp vấn đề về tiêu hóa, mất nước và giảm quá trình trao đổi chất. Suy dinh dưỡng cũng có thể dẫn đến các vấn đề căng thẳng và tập trung.

Mặc dù không có sự phân biệt rõ ràng giữa chế độ ăn uống lành mạnh và chế độ ăn kiêng khắc nghiệt, những dấu hiệu sau đây có thể giúp phần nào để bạn nhận ra một chế độ ăn kiêng khắc nghiệt:

Giảm năng lượng: Việc bạn đột nhiên thấy thiếu hụt năng lượng có thể là hậu quả của việc nạp quá ít calo.Suy nghĩ liên tục về thức ăn: Mối quan hệ của một người với thực phẩm có thể có trở nên nguy hiểm nếu họ ám ảnh về thực phẩm trong mọi thời điểm và tình huống.  

Khó ngủ: Giấc ngủ bị gián đoạn có thể do người đó không ăn đủ lượng thức ăn hàng ngày. Họ có thể không tiêu hóa đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho một giấc ngủ ngon. 

Loại bỏ toàn bộ một hoặc nhiều nhóm thực phẩm: Mỗi nhóm thực phẩm chứa các chất dinh dưỡng cần thiết cho một chế độ ăn uống cân bằng. Loại bỏ toàn bộ nhóm thực phẩm, chẳng hạn như carbohydrate, có thể sẽ giúp bạn giảm cân. Tuy nhiên, nó cũng có thể dẫn đến các triệu chứng  như chóng mặt hoặc mệt mỏi. 

Thay đổi tâm trạng liên tục: Hạn chế quá mức lượng calo có thể dẫn đến lo lắng, khó chịu và thậm chí và trầm cảm. 

Thay đổi lịch trình xã giao: Một chế độ ăn kiêng có thể là hà khắc nếu người đó lên kế hoạch cho cuộc sống của họ dựa trên chế độ ăn kiêng hoặc từ chối các sự kiện, giao lưu xã hội để tránh việc ăn.

TẠI SAO CÀNG NGÀY CÀNG CÓ NHIỀU NGƯỜI MẮC CHỨNG RỐI LOẠN ĂN UỐNG?

Nền văn hóa phương Tây coi trọng thân hình mảnh mai. Văn hóa đại chúng của Mỹ đầy rẫy các chương trình giảm cân, xu hướng ăn kiêng và phê phán hình thể. Những thông điệp này chính là nguyên do dẫn đến chứng rối loạn ăn uống. Nhiều người tin rằng mảnh mai làm cho ta trở nên quyến rũ hơn, trong khi mập mạp thì thật kém sang. Trong những trường hợp như vậy, rối loạn ăn uống xảy ra do việc một người mông lung về giá trị bản thân.

Những người mắc chứng rối loạn ăn uống thường trải qua sự lo lắng, tự ti và luôn muốn làm hài lòng người khác. Họ có thể cảm thấy áp lực bởi việc đạt được sự hoàn hảo, không chỉ với cơ thể của họ, mà trong mọi khía cạnh của cuộc sống. Một số khác đang đối đầu với chấn thương trong quá khứ, họ sử dụng đồ ăn để lấy lại cảm giác kiểm soát. Tiền sử gia đình mắc chứng rối loạn ăn uống cũng có thể làm tăng tiềm năng của một người đối với hành vi gây hại cho sức khỏe.

RỐI LOẠN ĂN UỐNG Ở CÁC ĐỐI TƯỢNG KHÁC NHAU

Rối loạn ăn uống không loại trừ ai cả. Chúng có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi, chủng tộc, giới tính và xu hướng tình dục. Khoảng 30 triệu người Mỹ đã trải qua rối loạn ăn uống trong đời.    

Phụ nữ: Các nghiên cứu cho thấy phụ nữ có nhiều khả năng mắc rối loạn ăn uống hơn nam giới. Khoảng 0,9% phụ nữ sẽ trải qua chứng chán ăn. Tỷ lệ này lên tới 1,5% đối với chứng ăn uống quá mức.

Rối loạn ăn uống là vấn đề sức khỏe mãn tính phổ biến thứ 3 đối với nữ thanh thiếu niên.

Đàn ông: Cứ 3 người Mỹ mắc chứng rối loạn ăn uống thì 1 người là đàn ông. Con số này đang tăng lên, nhưng lý do thì vẫn chưa được tìm ra. Có thể nhiều đàn ông đang sống chung với chứng rối loạn ăn uống thật, hoặc có thể họ càng ngày càng chia sẻ nhiều hơn về các vấn đề của mình, trong đó có rối loạn ăn uống . Giống như phụ nữ, đàn ông có thể phải đối mặt với tự ti hình thể. Những cảm giác này có thể góp phần gia tăng những tiêu cực trong thói quen ăn uống.

Nhưng vì rối loạn ăn uống thường được xem là chuyện của phụ nữ, nên nhiều người đàn ông cảm thấy xấu hổ khi chia sẻ về tình trạng của mình. Sự kỳ thị về giới này có thể giải thích tại sao đàn ông ít có khả năng được giúp đỡ về rối loạn ăn uống.

LGBTQ+ (những người thuộc giới tính thứ 3).

LGBTQ là viết tắt của 5 từ trong tiếng Anh bao gồm: Đồng tính luyến ái nữ, đồng tính luyến ái nam, song tính luyến ái, hoán tính (người chuyển giới) và giới tính chưa xác định.)

Một số người là LGBTQ+ có tỷ lệ rối loạn ăn uống không tương xứng. Chẳng hạn, ước tính 5% nam giới là đồng tính luyến ái, nhưng có tới 42% nam giới mắc chứng rối loạn ăn uống là đồng tính. Trong một nghiên cứu năm 2015, sinh viên đại học chuyển giới có nhiều hành vi như nôn mửa khi ăn. Các cá nhân LGBTQ+ có thể dễ bị rối loạn ăn uống do những căng thẳng vì việc bản thân khác biệt về giới tính. Người LGBTQ+ có thể phải đối mặt với bắt nạt, cô lập, vô gia cư và những rào cản trong cách đối xử của những người xung quanh. Phân biệt đối xử có thể gây ra lo lắng và trầm cảm, dẫn đến rối loạn ăn uống. Thanh thiếu niên: Hầu hết các cá nhân bị ảnh hưởng bởi rối loạn ăn uống là thanh thiếu niên. Độ tuổi trung bình là khoảng 12-13 tuổi. Áp lực phải “bằng bạn bằng bè” và phương tiện truyền thông xã hội có thể thổi phồng các tiêu chuẩn sắc đẹp phi thực tế. Một số thanh thiếu niên cảm thấy họ phải ăn kiêng để “phù hợp với tiêu chuẩn xã hội”. (Theo báo cáo, rối loạn ăn uống không chỉ giới hạn ở tuổi trẻ. Một nghiên cứu ở Anh cho thấy 3% phụ nữ ở độ tuổi 40-59 có vấn đề trong thói quen ăn uống.)

Dân tộc thiểu số: Bị phân biệt đối xử, đẩy ra ngoài rìa có thể dẫn đến khả năng bị rối loạn ăn uống. Ví dụ, thanh thiếu niên da đen có khả năng mắc chứng cuồng ăn cao hơn 50% so với thanh thiếu niên da trắng. Các nghiên cứu cho thấy các dân tộc thiểu số tỷ lệ  ăn uống mất kiểm soát hơn các nơi khác. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho biết số liệu thống kê quốc gia có xu hướng bỏ sót nhiều đối tượng thuộc nhóm bị phân biệt đối xử . Các bác sĩ lâm sàng hiếm khi chẩn đoán rối loạn ăn uống ở phụ nữ da màu, một phần do lầm tưởng rằng chỉ phụ nữ da trắng mới mắc phải chúng. Việc bỏ qua này làm giảm khả năng được giúp đỡ của một số cá nhân, và đó cũng là lí do tại sao  người da màu ít khi tìm hiểu cách điều trị rối loạn ăn uống. 

NHẬN TRỢ GIÚP VỀ RỐI LOẠN ĂN UỐNG

Rối loạn ăn uống có thể là triệu chứng phức tạp. Nếu bạn hoặc người thân đang suy nghĩ, cân nhắc tới việc điều trị, bạn hãy tới các trung tâm uy tín, tìm chuyên gia trị liệu chuyên về rối loạn ăn uống. Hãy nhớ rằng, tìm kiếm sự giúp đỡ không có gì phải ngại ngùng, xấu hổ.

Người dịch: Hồng
Nguồn: Eating and Food Issues

Nguồn ảnh: Pinterest

Nếu bạn thấy bài viết bổ ích, dự án có ý nghĩa đối với cộng đồng, donate cho A Crazy Mind qua: http://acrazymind.vn/donate/ nhé!

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về A Crazy Mind. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Nguồn: A Crazy Mind”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook A Crazy Mind để đọc các bài dịch khác và cập nhật các bài viết mới hằng ngày!
(***) Trở thành Cộng tác viên để rèn luyện tư duy ngôn ngữ và đóng góp kiến thức cho cộng đồng tại https://bit.ly/2EiflcL

BẢN THẢO
Bài viết liên quan