Thức dậy sớm hơn một giờ có thể giúp bạn chống lại bệnh trầm cảm

Một nghiên cứu chỉ ra rằng dậy sớm hơn bình thường một giờ sẽ giúp giảm nguy cơ bị trầm cảm.


Ngủ đủ giấc rất cần thiết cho việc duy trì một sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần tốt. Gần đây, một nghiên cứu mới còn tiết lộ rằng sức khỏe tốt còn phụ thuộc vào giờ giấc đi ngủ. Thực tế là việc dậy sớm hơn một giờ đã được chứng minh rằng có thể giúp ta ngăn chặn và chống lại bệnh trầm cảm.


Kết luận này được đưa ra dựa trên một nghiên cứu được thực hiện bởi một nhóm nghiên cứu ở trường Đại học Colorado vào năm 2021. Họ đã chỉ ra rằng việc dậy sớm hơn bình thường đối với những người ngủ dậy trễ hơn sẽ giúp cải thiện tâm trạng của họ. Hơn thế nữa, nó có thể giảm đi 30% nguy cơ mắc các bệnh trầm cảm.


Nghiên cứu này đã bổ sung thêm cho các nghiên cứu tương tự về việc những người dậy sớm sẽ có sức khỏe tốt hơn, cả về mặt thể chất và tinh thần. Đồng thời, những người dậy muộn sẽ có nhiều khả năng bị rối loạn tinh thần hơn. Nhìn chung, việc dậy sớm có thể giúp cải thiện tâm trạng vì bạn có nhiều thời gian để tận hưởng ánh nắng mặt trời hơn.


“Người thức dậy vào buổi chiều sẽ chẳng thể thay đổi thế giới.” -Connor Chalfant- | Nguồn ảnh: Unsplash.com


Nghiên cứu của trường Đại học Colorado 


Nghiên cứu này phân tích số liệu từ 85.000 người. Các nhà nghiên cứu đã lấy các mẫu gen từ tất cả những người tham gia nhờ hệ cơ sở dữ liệu về y sinh của công ty 23andMe (một công ty chuyên về công nghệ sinh học ở Sunnyvale, California) và tổ chức Biobank ở Anh (một tổ chức lưu giữ hệ cơ sở dữ liệu y sinh và các tài liệu nghiên cứu liên quan). Trong số các mẫu đó, khoảng một phần ba người nói họ là người dậy sớm. Mặt khác, khoảng 9% thì nói họ là cú đêm, số còn lại thì ở giữa hai nhóm đó.


Dựa trên cơ sở những mẫu gen được thu thập, cùng với các ghi chép về mặt y học của những người tham gia và các bảng câu hỏi, các nhà nghiên cứu đã đưa ra được một vài kết luận. Họ muốn dựa trên những mẫu gen khác nhau của những người thích dậy sớm để tìm hiểu xem họ có phải là những người ít có khả năng bị mắc bệnh trầm cảm hay không. Kết quả là những số liệu đó đã chỉ ra rằng điều đó là đúng.


Tiền đề của cuộc nghiên cứu là nếu một người đi ngủ sớm hơn một giờ, thì họ cũng sẽ dậy sớm hơn một giờ. Dựa trên lập luận này, các nhà nghiên cứu đã đi đến kết luận rằng nếu một người đi ngủ lúc 3 giờ sáng quyết định đi ngủ lúc 2 giờ sáng, nguy cơ bị trầm cảm của họ sẽ được giảm đi 23%. Nếu họ đi ngủ lúc 1 giờ sáng, nguy cơ đó sẽ giảm đi 40%.


Tại sao phải thức dậy sớm hơn một giờ?


Nghiên cứu này đã đưa ra những số liệu rất chi tiết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không thể hiểu lý do tại sao dậy sớm hơn một giờ lại giúp ích cho việc ngăn chặn và giảm nguy cơ bị trầm cảm. Về mặt nguyên tắc, họ cho rằng đó là do ánh sáng ban ngày sản sinh ra một lượng hooc môn có thể ảnh hưởng đến tâm trạng. 


Tuy nhiên, các chuyên gia không chỉ ra rằng những người không dậy sớm sẽ có chế độ sinh hoạt không khớp với nhịp sống xã hội. Đó là do ta đang sống trong một xã hội mà mọi người hoạt động vào ban ngày là chủ yếu. Vì vậy, việc không hoạt động theo thời gian biểu của những người khác có thể dẫn đến cảm giác mất mác. Thực chất, việc thường xuyên thức đêm nghĩa là đang từ bỏ một cuộc sống “bình thường”.


Tuy nhiên, nghiên cứu không hề chỉ ra những điều này và vì vậy, chúng chỉ là phỏng đoán chứ không thể được xem là kết luận. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh sự cần thiết cho một nghiên cứu mới và rộng hơn. Có như vậy, họ mới có thể làm sáng tỏ lý do việc dậy sớm hơn một giờ có thể ảnh hưởng đến khuynh hướng bị bệnh trầm cảm. 


Làm sao để thức dậy sớm hơn một giờ?


Những người được biết đến như là “những chú chim dậy sớm” hiếm khi gặp khó khăn với việc dậy sớm. Mặt khác, những “chú cú đêm” hay “nửa cú đêm” đúng thật là sẽ gặp khó khăn trong việc tuân theo một thời gian biểu phù hợp với vòng tuần hoàn của mặt trời.


Vậy thì làm sao để chúng ta có thể vượt qua trở ngại này đây? Có lẽ vấn đề thật sự không phải là việc dậy vào một giờ nhất định nào đó, mà là việc vượt qua sự cám dỗ của sự thức đêm và đi ngủ trễ. Tuy nhiên, để đạt được điều này có thể rất khó khăn vào lúc ban đầu. Đó là vì ta sẽ cảm thấy buồn ngủ vào buổi sáng, nhưng khi cần đi ngủ thì ta lại tỉnh như sáo.

Những gì chúng ta có thể làm là dành 2 giờ đồng hồ chuẩn bị cho việc đi ngủ. Ta có thể làm điều đó bằng việc dần dần giảm đi các hoạt động đêm khuya bằng mọi cách.


Vì vậy, chúng ta cần ăn uống và làm việc ít hơn vào buổi tối. Hơn thế nữa, ta có thể thử tập các hoạt động thể dục thư giãn một tiếng trước khi đi ngủ. Cùng lúc đó, ta có thể cân nhắc việc tập một vài bài thể dục vào buổi sáng để có thể giúp ta tỉnh táo hơn.


------------------------

Dịch bởi: Mahoney Queen

Biên tập: Ori

Nguồn bài viết: <https://exploringyourmind.com/waking-up-an-hour-earlier-can-help-fight-depression/

------------------------

BẢN THẢO
Bài viết liên quan