Trốn tìm: Trò chơi hay bi kịch?

“Câu chuyện diễn ra ngay trước mắt chúng ta lẽ ra phải rõ ràng nhất, ấy thế nhưng lại là mù mờ nhất."

Cuối Thu năm 2021 

Hôm nay trời rất đẹp, không gợn mây và nhiều nắng, nhưng vẫn đủ lạnh như miền Bắc đất nước vẫn thường như vậy vào cuối Thu. Tôi ngồi đọc cuốn tiểu thuyết “Cuộc đời là một tiểu thuyết” của Guillaume Musso để lấy chất liệu viết bài. Nơi tôi đang yên vị là vị trí đắc địa của căn phòng - nơi đón toàn bộ lượng ánh sáng tự nhiên chảy tràn vào phòng qua lớp kính chiếm gần hết cánh cửa ban công. Như vậy là đủ để chiếu sáng cho cả căn phòng sâu hun hút không có chút tăm tích của ánh sáng nhân tạo. Màu vàng đẹp khôn cưỡng phía sau lớp kính khiến tôi liên tưởng đến những cung điện thờ thần linh thiêng ở vùng đất Hy Lạp cổ đại. Lý do tôi phải dùng đến trí tưởng tượng dù hiện thực đã quá đỗi diễm lệ như vậy là vì… thứ ánh sáng kia quá chói loá khiến tôi chẳng thể nhìn rõ vẻ đẹp đang diễn ra ngay trước mắt mình. 


“Câu chuyện diễn ra ngay trước mắt chúng ta lẽ ra phải rõ ràng nhất, ấy thế nhưng lại là mù mờ nhất”. - Julian Barnes. 


Vào thời điểm này 11 năm trước, khung cảnh nơi lầu 6 tòa Lancaster ở Williamsburg còn diễm lệ hơn thế. Nơi đó có “mặt trời đang tỏa nắng phía sau những tòa nhà chọc trời, nhấn chìm căn hộ… trong luồng ánh sáng ấm áp gần như phi thực.”, có những nốt nhạc pha lê từ chương hai bản concerto cung sol của Ravel, có cả trò chơi trốn tìm giữa nữ tiểu thuyết gia Flora Conway và cô con gái 3 tuổi bé bỏng đầy kích thích, chờ đợi, và sợ hãi. “Tôi nghe thấy con bé đi qua phòng khách, đẩy chiếc ghế bành Eames chễm chệ trước bức vách kính lớn… Thời tiết thật dễ chịu. Tâm trí tôi lang thang đây đó,... Đã đến đoạn ưa thích của tôi trong khúc adagio này.”. Không như thường lệ, cuộc trốn tìm lần này không kết thúc bằng niềm vui sướng vỡ oà của sự tái hợp, mà là nỗi đau đớn của người mẹ đơn thân về sự biến mất không tăm tích của con gái. Không chút tăm tích?... 


“Câu chuyện diễn ra ngay trước mắt chúng ta lẽ ra phải rõ ràng nhất, ấy thế nhưng lại là mù mờ nhất.” - Julian Barnes. 

Không phải vậy! Vụ mất tích này quá dễ hiểu, ít nhất là sau khi tôi nhận ra tầm quan trọng của những câu trích dẫn như trên trong mạch phát triển câu chuyện.


Rốt cuộc là vì điều gì?  

Tiểu thuyết lấy chất liệu là đời thực. Cuốn tiểu thuyết này cũng không ngoại lệ mà phản ánh một hiện thực ngang trái rằng có quá nhiều thực tế, dù xét về mặt địa lý đang ở ngay trước mắt, nhưng lại rơi đúng vào điểm mù, hoặc cận điểm mù của tâm hồn ta. Rốt cuộc là vì điều gì? 


Vì hai chữ chấp nhận. Chấp nhận thuộc về phạm vi của lựa chọn. Lựa chọn chấp nhận vì sự chấp nhận là cần thiết đã rất khó khăn. Lựa chọn không chấp nhận dù biết rõ thứ đó là gì lại là một hành động gây đau đớn. Vạn vật đều bất toàn, ngay cả sự chấp nhận cũng vậy. Tôi tin rằng chúng ta vẫn luôn chênh vênh giữa chiếc bập bênh của sự chấp nhận và sự chối bỏ. Kể cả khi lựa chọn chấp nhận, vẫn có những khi nội tâm ta gào thét đòi phủ nhận hiện thực ta phải chung sống rồi vờ thân thiện. Và ngược lại, kể cả khi ta lựa chọn chối bỏ, thâm tâm vẫn sẽ có lúc ném cho chính ta cái nhìn khinh bỉ hoặc thương hại vì đã trốn chạy khỏi một thứ chẳng phải người cũng không phải quỷ. Nó là sự thật! Một sự chênh vênh như vậy là lý do khiến “câu chuyện diễn ra ngay trước mắt chúng ta lẽ ra phải rõ ràng nhất, ấy thế nhưng lại là mù mờ nhất”. 


Nữ tiểu thuyết gia vì cái gì mà không nhận ra nguyên do của vụ mất tích ngay từ đầu?  

Vì tiết trời dễ chịu? Vì khoảng nắng ấm áp đến phi thực? Vì đoạn nhạc yêu thích của cô trong khúc adagio? Vì tất cả những thứ đẹp đẽ ấy khiến cô quên mất con gái mình, và rồi là mấu chốt của vụ mất tích - “con bé đi qua phòng khách, đẩy chiếc ghế bành Eames chễm chệ trước bức vách kính lớn”? Ôi, nếu vậy thật thì quả là một kẻ đãng trí, hoặc vô tâm? Nếu không phải vậy, và nhiều khả năng là không phải vậy, thì Flora Conway chỉ là đang chối bỏ hiện thực mà thôi. Chấp nhận một bi kịch sẽ bóp nát trái tim cô ngay lập tức. Nhưng để nước mắt làm nhoè đi sự tồn tại của bi kịch sẽ chỉ ăn mòn trái tim cô một cách chậm rãi mà thôi. Hẳn là sẽ đỡ đau hơn đấy! 


Vận mệnh 

Có một sự thật là dù cho Flora Conway có chấp nhận bi kịch đó hay không thì cũng không thay đổi được vận mệnh rằng câu chuyện sẽ trở nên rõ ràng ở những trang cuối của cuốn tiểu thuyết. Đó là loại vận mệnh mà cô không kiểm soát được, bởi cô chỉ là một nhân vật mà thôi.


Cuộc đời cũng chất chứa những bi kịch như vậy, hoặc chỉ là những câu chuyện mà dù hiển hiện ngay trước mắt cũng vẫn không đủ rõ ràng với ta, vì sự chênh vênh giữa lựa chọn chấp nhận hay chối bỏ, hoặc vì ngay từ đầu, ta đã chẳng nắm quyền kiểm soát. Vận mệnh sắp đặt rằng ta không thể nhìn thấu câu chuyện này vào lúc nọ. Vận mệnh đâu phải lúc nào cũng khắc nghiệt để mà ta không chịu khuất phục. Hãy coi sự mù mờ này là một khía cạnh hiển nhiên của cuốn tiểu thuyết cuộc đời. Chỉ là một chút lẩn trốn của sự thật để câu chuyện không trở thành một tác phẩm nhạt nhẽo. Mọi thứ dù gì cũng sẽ trở nên sáng rõ ở những trang cuối của cuốn tiểu thuyết, và những năm tháng cuối đời ta - muộn nhất là như vậy…


Ảnh: Pinterest

Tác giả: Diệu

BẢN THẢO
Bài viết liên quan