[VĐTT] Cho em một lần được lớn - Đứng giữa những yêu thương

Thâm nhập sâu hơn vào câu chuyện bên trong lá thư của cô em gái gửi cho người chị khuất bóng của mình.

Cho em một lần được lớn - Đứng giữa những yêu thương


Tôi vừa nhận được lá thư nó gửi cho mình. Như nhiều lần trước, mỗi khi có nỗi niềm trong lòng, nó đều viết thư tay và đốt đi để tôi đọc. Trong làn khói mong manh của lá thư đang cháy, tôi nhìn thấy những con chữ bay lửng lơ, quyện chặt vào dòng khói, tan dần vào hư không. Thế nhưng, khác với những lần trước, làn khói trắng mà tôi thấy hôm nay, sẫm đen hơn, và ảm đạm hơn bởi những tâm tư và nỗi lòng nặng trĩu của nó. Cũng phải, đã hơn cả năm rồi nó mới lại viết một lá thư dài như thế cho tôi.


Tôi không bỏ sót một chi tiết nào về những biến cố xảy ra trong cuộc đời nó. Thế nhưng, đọc xong lá thư lần này, tôi nhận ra mình đã quá ngây thơ khi nghĩ rằng mình hiểu hết về em gái. Nó mạnh mẽ và nghị lực hơn tôi tưởng. Và, chao ôi! Nó đã trưởng thành trong suy nghĩ từ rất lâu rồi. Tuổi thơ thiếu vắng yêu thương đã khiến nó già dặn một cách tự nhiên. Có ai ngờ, bên trong một gương mặt khả ái, lúc nào cũng in đậm nụ cười duyên ấy, là cả một cuộc đời cô đơn đến thế!



Nó là em gái ruột thịt của tôi, nhưng chúng tôi khác cha khác mẹ. Mẹ của nó là em ruột của mẹ tôi, tôi gọi là dì Út; ba của nó cũng là em ruột của ba tôi, tôi gọi là chú Út. Chú tôi mất sớm, dì tôi trở thành góa phụ khi tuổi đời còn rất trẻ. Dì chọn cách đến một nơi xa để lập nghiệp, để tạo nền tảng kinh tế cho con gái và hơn hết, để vơi đi nỗi đau sâu hoắm trong lòng. Nó trở thành đứa trẻ mồ côi cha lúc chưa tròn một tuổi, sống với dì và ngoại những ngày đầu đời. Bốn năm đầu đời, nó sống cùng gia đình tôi, cùng tôi lớn lên. Cho đến khi mẹ tôi sinh thêm em bé, mẹ tôi đã gửi nó cho bà ngoại và dì Mười, với hy vọng mẹ nó sẽ về bên nó. Đúng là dì Út đã về với nó thật, nhưng được một đoạn đời ngắn ngủi, Út lại ra đi, quyết tâm như đã được định mệnh an bài sẵn. Nó lớn lên trong vòng tay thương yêu của ngoại, sự chăm sóc của dì Mười, và dưới chở che của mái tranh nghèo liêu xiêu. Tuổi thơ nó đã trôi qua một cách lẳng lặng buồn.


Vốn dĩ nó đã thiếu may mắn ngay từ khi cất tiếng khóc đầu tiên chào cuộc đời. Vậy mà càng lớn, cuộc đời càng ném vào nó nhiều gian truân. Càng cố gắng gỡ những mối tơ vò xung quanh, nó lại càng bị cuốn vào những vòng vây rối ren vô tận. Càng cố thoát ra, nó càng bị dính chặt, ngột ngào đến khó thở, đau thấu tâm can. Ví như mối-quan-hệ-không-đội-trời chung giữa mẹ nó và dì Mười – hai chị-em-lỡ-phải-ruột-thịt.


Dì Mười là chị, mẹ nó là em út trong một gia đình có tới 11 người con. Dì Mười không lập gia đình, sống chung với bà ngoại và chăm sóc nó hoàn toàn từ khi nó học lớp 2 – lúc dì Út thuận theo con tim bước thêm một bước nữa.


Từ nhỏ, tôi đã nghe kể về sự khác biệt và xa cách giữa dì Mười và dì Út, từ mẹ, từ bà con và hàng xóm của nhà ngoại. Rằng cả hai dì không thể nào đứng nói chuyện bình thường với nhau được quá 5 phút. Từ nhỏ cả hai đã thể hiện sự đối lập và tị nạnh với nhau như thế. Càng lớn, khoảng cách giữa hai người càng rộng. Nếu như có thể từ bỏ nhau luôn, mỗi người sống cuộc đời nước sông không phạm nước giếng, thì có lẽ cả hai sẽ không dày vò nhau đến ngạt thở. Đằng này, hai người còn cùng nhau bận tâm về nó – đứa con gái chung - và bà ngoại – người đã sinh thành cả hai người.


Mẹ tôi kể, dì Mười là một người yêu thích văn học thơ ca, tiếp cận nhiều kinh sách uyên thâm, nhưng bản chất lại là một người ích kỷ và hẹp hòi. Dì luôn làm mọi việc một cách qua loa và “tốc độ” nhất có thể. Dì Út lại khác. Dì Út nghĩ gì nói đó, không quá thâm sâu nhưng bộc trực rõ ràng, làm gì cũng phải đạt được mục tiêu cuối cùng mới chịu thôi. Dì Mười sở hữu nét đẹp hiền từ thôn dã, dì Út lại mang nét sắc sảo của một giai nhân.


Tôi nhiều lần hỏi mẹ, vì sao mà hai người họ ghét nhau đến thế? Mẹ tôi cũng không có câu trả lời, chị tặc lưỡi lắc đầu nói “tụi nó, không thể cứu vãn”.


  •   Dì Mười đố kỵ với vẻ đẹp của dì Út sao? Chắc không phải, dì Mười vốn cũng đẹp mà! Nước da trắng nỏn cùng nụ cười hiền, không chồng con nhưng cũng không phải chịu những nỗi đau của một góa phụ như dì Út.
  • Dì Út và dì Mười đã từng cùng nhau thương một người đàn ông, nhưng người ta chỉ có tình cảm với dì Út mà từ chối dì Mười, có phải vì vậy mà Mười ghét Út? Tôi hỏi ngoại tôi như thế, ngoại cũng xua tay lắc đầu báo câu trả lời là Không. Dì Út đâu có thương người đàn ông ấy, mà là người đàn ông ấy âm thầm theo đuổi Út. Phía sau ông ta lại là ánh mắt dõi theo của dì Mười. Út biết điều đó, nên Út đã cố tình bỏ đi xa để tránh bị hiểu lầm.
  • Ông bà ngoại thương dì Út hơn dì Mười sao? Tôi vẫn thấy bà ngoại luôn bênh vực và nghĩ về lợi ích cho dì Mười mà. Ông ngoại đã mất, nhưng tôi nhìn thấy vè đẹp của ông đang hiện diện trên gương mặt của Mười. Và bà ngoại chẳng phải vẫn luôn thiên vị dì Mười hơn tất cả mọi người sao?
  •  Hay Mười không tha thứ được cho Út về một vết thương nào đó sâu thật sâu trong lòng? Nếu có, thì vết thương ấy từ đâu mà có?


Không phải chỉ tôi, mà mọi người xung quanh, và cả dì Út, không ai trong chúng tôi hiểu được nguyên nhân nỗi hận thù trong lòng dì Mười. Càng thương nó bao nhiêu, Mười càng hận mẹ ruột của nó bấy nhiêu.



Đến một ngày, bà ngoại tôi tuyên bố để lại căn nhà đang ở cho hai người con gái út của mình, giao toàn bộ giấy tờ liên quan đến căn nhà hiện tại cho dì Mười. Dì đã âm thầm tách tên dì Út ra khỏi hộ khẩu của ngoại. Người ta nói, Mười sợ Út tranh giành tài sản mà ngoại để lại – một mảnh đất vài trăm mét vuông và một căn nhà cấp 4 cũ kỹ. Tôi không biết, có phải thật sự vì như thế hay không, nhưng tôi thấy mỗi ngày trôi đi, nét mặt Mười đượm thêm phần hung tợn và đầy dã tâm.


Dì Mười sống ngày càng khép kín và không muốn giao lưu với ai, kể từ khi nhận được quyền thừa hưởng của mình. Vì sao vậy? Không ai hiểu. Có lẽ lòng tham trong thâm tâm loài người đúng thật như người ta nói, dã man và đầy tính hủy diệt. Tôi nhớ đến câu nói “Tâm sinh Tướng” của một vị hòa thượng mà tôi đã học khi còn sống. Nhìn vào tướng mạo dì Mười, không khó để người ta nhận ra bóng dáng của sự ích kỷ, hẹp hòi đang tồn tại và ngày càng bành trướng bên trong tâm hồn.


Về phần dì Út, từ ngày bị tách khỏi hộ khẩu của bà ngoại, Út cùng con gái nhỏ của mình – đứa em cùng mẹ khác cha với nó – lang thang khắp nơi. Dĩ nhiên, giận càng thêm hận. Những lần tranh cãi giữa hai dì đã thiêu cháy tất cả chút tình chị em còn xót lại trong lòng mỗi người. Ngày tháng trôi qua, mâu thuẫn không tên ấy không nguôi ngoai đi chút nào, mà lại càng mãnh liệt hơn, như thể ngọn lửa sân hận trong họ đang được được châm thêm rất nhiều dầu, sôi sục hận thù.

Nó, đứng giữa và trơ trọi. Nếu nghiêng về phía mẹ, nó sợ người đời sẽ buộc tội vong ân cho mình, nếu ngả về phía dì Mười, nó sợ sẽ làm mẹ tổn thương. Mỗi ngày nó đều phải trải qua sự tranh đấu không nhân nhượng giữa một người sinh ra mình, và một người nuôi dưỡng mình. Lúc nhỏ, khi chưa hiểu hết những khái niệm về hận thù hay uất ức, nó chỉ mơ hồ mường tượng về sự ganh ghét mà hai người mẹ dành cho nhau. Lớn hơn, nó hiểu được rằng, dù cho có khuyên lơn thế nào, từ ai đi nữa, cũng không thể cứu vãn mối quan hệ này. Và, nó sẽ mãi không thoát ra khỏi mối tơ vò mà hai người lớn ấy đã tạo ra, kéo nó vào trong.


Dì Mười hận dì Út vì một chuyện gì đó, sẽ chì chiết nó mỗi khi nó thực hiện một hành động nào giống với mẹ của mình.


Dì Út giận dì Mười, mỗi khi nghe ai đó nhắc về người ấy, sẽ không ngừng càm ràm kể lể hết những lầm lỗi của người ta, tất nhiên là với nó.


Ngày còn ở với ngoại, nó và ngoại sẽ im lặng cho qua, mặc kệ hai người muốn nói gì thì nói, muốn làm gì cũng được. Ngoại sẽ dạo ra rẫy xem cây tiêu cây điều, hay mấy ngọn rau vườn có bị gà bới lên không. Còn nó, nó sẽ đâm đầu vào sách vở, còn có quá nhiều kỳ thi để đặt tâm huyết vào. Nó đè nén nỗi buồn sâu thẳm vào tầng cuối cùng của chiếc lòng mong manh, và tập trung học. Dần dà, nó quen với việc chịu đựng một mình như thế. Ngay cả tôi lúc ấy khi đủ đầy điều kiện, lại mang danh là người chị thân thiết nhất với nó, cũng không thể bắt nó mở lòng sẻ chia với mình được. Ngày đó, lòng nó tựa như một chiếc hồ đen sâu thẳm, chứa đựng những túi bóng tròn đầy những hợp chất kịch độc. May thay còn có tuổi trẻ và việc học, tạo một nội lực vững chắc cho nó để có thể nương tựa vào.


Bây giờ, khi nó rời xa vòng tay ngoại để lên thành phố chữa bệnh với mẹ, khi cơ thể đang thả dốc không phanh xuống miền yếu đuối, những túi bóng tròn kia như căng đầy hơn, sinh sôi nảy nở ngày một nhiều, không có bất cứ sự kiểm soát nào của nội lực nữa, và vỡ tan… Chúng xâm chiếm cả thân xác lẫn tâm hồn nó như một sinh vật khát máu, hút đến cạn kiệt nguồn sinh lực yếu ớt mỗi ngày của nó.


Tôi nhìn đứa em gái nhỏ của mình mà xót xa…



Nhưng lạ thay, khi cơ thể càng ngày càng tiều tụy, sự chín chắn trong nó lại càng vững vàng. Có những đứa trẻ, sống trong nhung lụa ngọc ngà, dẫu có bao nhiêu năm trôi qua, họ vẫn không muốn lớn hơn để trải đời. Còn nó, từ bé đã được cuộc đời ném cho hàng tấn bi ai, dẫu muốn hay không, nó cũng phải sống chan hòa với chúng, chịu đựng chúng và lớn lên cùng với chúng. Ngày trước, tôi hay trêu nó rằng đã quá già dặn, hãy thành thật với số tuổi của mình. Nó chỉ nhoẻn miệng cười trừ rồi đưa mắt nhìn về một hướng xa xăm, tránh ánh mắt dò xét của chị mình.


Tôi tự hỏi, cuộc đời nó chưa đủ nhọc nhằn hay sao, mà lại còn phải nếm thêm nhiều hương vị chát ngầm từ những cuộc ẩu đã ngôn từ của dì Út và dì Mười. Cả hai đều hiểu rõ tình trạng bệnh tình nghiêm trọng của nó, nhưng không ai chịu gạt bỏ cái tôi của mình xuống, nhường nhịn nhau, sống cùng nhau để nó có thể hưởng những tháng ngày yên ả. Nó xứng đáng được sống bình yên như thế, nhưng… thật trớ trêu!


Thật ra thì, trong hàng vạn nẻo đường đi tìm hạnh phúc đơn sơ, có con đường nào dành cho nó – một cô gái chỉ vừa kịp bước một chân vào cánh cửa của những người trưởng thành trọn vẹn, cả thân lẫn tâm?



---------------------


Tác giả: Tâm Nhi

Theo dõi tác giả tại: Atwinsmom.com

(*) Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 02 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/CuocthiVDTT

(**) Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

(***) Đăng ký tài trợ cuộc thi tại: http://bit.ly/HopTacTaiTro-VDTT




BẢN THẢO
Bài viết liên quan