Yêu đơn phương bạn thân cùng giới là cảm giác như thế nào? (Phần 1)

Là cùng nhau sống sót qua thời thơ ấu, nhưng chẳng thể ở bên nhau khi đã trưởng thành. Đôi lời gửi đến cô gái mà tôi yêu nhất: Từ khi còn nhỏ, tôi đã rất thích em.

Mười một tuổi, chúng ta gặp gỡ và kết bạn. Mười bốn tuổi, nhờ cậu mà tôi sống sót để đi đến tuổi trưởng thành. Mười bảy tuổi, chúng ta chỉ tạm chia tay mà không nghĩ là mãi mãi. Mười tám tuổi, tôi nhận ra mình đã yêu, từ rất lâu rồi.


Người ta thường bảo, tình bạn ba năm là đồng, năm năm là bạc, bảy năm là vàng, nhất là tình bạn qua mạng như tôi và cậu thì càng quý hiếm, nếu lết được đến năm thứ bảy thì phải gọi là kim cương mới đúng. Nên chúng ta đã từng giao hẹn: "Này, bao giờ kỷ niệm bảy năm quen nhau, nhất định phải cùng đi chơi đâu đó đấy nhé, mày vào Trung, hoặc tao ra Bắc." 


Nhưng cái ngày đó không bao giờ tới. Tình bạn của chúng ta chịu thua ở năm thứ Sáu. 


Nhưng không phải là chúng ta đã hết yêu mến nhau, cũng không phải là do khoảng cách địa lý làm tình bạn phai nhạt dần đâu, Nhi ạ. Dòng tin nhắn cuối cùng cậu dành cho tôi, tôi có thể hình dung ra cậu đã đau đớn thế nào khi viết ra nó: "Tại sao bây giờ chúng ta lại như thế này?" 


Tôi đã không trả lời được câu hỏi đó, nhưng tôi muốn kể cậu nghe một điều bí mật. Thật ra suốt sáu năm, tôi đã nhắc đi nhắc lại điều này nhiều lần, nhưng hình như cậu chẳng hề tin vào nó. Hoặc, cậu tin, nhưng cậu cố tình lờ nó đi. Điều đó vốn đã tạo nên một bức tường vô hình giữa hai chúng ta rồi. 


Điều bí mật đó là, tôi rất thích, rất thích cậu, thích từ sáu năm trước rồi. Giá cậu chỉ thích tôi bằng một phần mười tôi thích cậu, có lẽ tôi đã hạnh phúc muốn bay lên trời.


Chúng ta là hai đốm sáng nhỏ, sưởi ấm nhau qua thời thơ ấu


Cậu còn nhớ chúng ta đã gặp nhau như thế nào không? 


Hồi đó, mạng xã hội còn chưa phổ biến như bây giờ, nhất là khi chúng ta mới chỉ là hai cô nhóc mười hai, mười ba tuổi, lứa tuổi vô cùng "trẻ trâu", hứng thú với mọi thứ và có thể làm đủ thứ chuyện ngớ ngẩn trên mạng. Có lẽ đó là điều khiến chúng ta trò chuyện thân thiết đến vậy, dù chỉ bắt đầu bằng một dòng bình luận vô thưởng vô phạt trên Wattpad. Tôi tò mò, cô bạn nói chuyện dễ thương ở bên kia màn hình, không biết là người như thế nào nhỉ? Mình có đang bị lừa đảo không ta, giống như trong mấy bộ phim hình sự ấy? Chắc cậu cũng tò mò như thế, nhỉ? Tôi muốn gặp cậu lắm, nhưng cậu ở Nha Trang, còn tôi ở Hà Nội, nên chuyện đó đã trở thành không thể. Chẳng có ông bố bà mẹ nào cho con mình đi nửa đất nước chỉ để gặp một người nó mới quen qua mạng cả.


Chúng ta hợp nhau đến không ngờ, từ sở thích, thể loại nhạc hay nghe, bộ phim hay xem, và cả đường ăn uống. Tôi còn nhớ khi đó, chúng ta thích Vocaloid (ca sĩ ảo Nhật Bản), đến điên cuồng, mọi cuộc nói chuyện của hai ta đều xoay quanh những bài hát mới của Hatsune Miku, fanfic của hai anh em nhà Kagamine,... "Khi nào lớn, nhất định chúng ta phải cùng đến Nhật Bản xem biểu diễn trực tiếp đấy nhé!" Đó là lời hứa đầu tiên của chúng ta. 


"Khi nào lớn, nhất định phải gặp nhau nhé!"


"Khi nào lớn, hay mình về sống chung đi!"


"Khi nào lớn, ta thi cùng trường đại học, được chứ?"


Khi nào ta mới lớn? Tôi đã luôn hỏi mình điều đó. 


"Lớn nhanh lên, lớn nhanh lên, mình có thể gặp cậu ấy." Mỗi đêm đi ngủ, tôi đều mong sớm mai thức dậy, tôi đã là một tôi khác. Không còn nhỏ bé, bất lực, hèn nhát khi chứng kiến cha đánh mẹ đến mức phải nhập viện, co rúm trong một góc nhà mà chẳng bị tổn hại lấy một sợi tóc. Tôi khi lớn chắc chắn sẽ là một tôi khác, sống cuộc đời tôi mong muốn, đi bất kì nơi đâu tôi muốn đi, gặp bất kì ai tôi muốn gặp. Khi nào lớn....


Năm mười bốn tuổi, bố đuổi mẹ con tôi ra khỏi nhà. Ký ức cuối cùng mà tôi có về căn nhà ấy chỉ là ánh mắt thách thức của bố tôi, cái quay lưng dứt khoát, mạnh mẽ của mẹ tôi, dường như bà cũng đã mong đợi ngày này từ lâu lắm rồi. Nhi à, hôm đó là sinh nhật của tôi đấy. Suốt nhiều năm sau, cứ nhìn thấy người khác vui vẻ tổ chức sinh nhật là tôi lại thấy sởn gai ốc, ngửi thấy mùi bánh kem hay bất kể đồ ngọt nào khác cũng khiến tôi mắc ói. Lời chúc mừng sinh nhật của người khác dành cho tôi chính là con dao xoáy sâu vào óc, dù cho những người ấy chẳng hề có ác ý. Họ chỉ vô tình nhắc lại cho tôi nhớ về ngày mà cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn. 


Tôi và mẹ chuyển đến một căn nhà trọ xập xệ, cũ nát, là loại nhà trọ có cửa làm bằng gỗ mục, mái làm bằng tôn, mùa đông thì lạnh muốn buốt da, còn mùa hè thì nóng đến mức không thể thở được. Đó là chưa kể, nhà vệ sinh xập xệ, bẩn thỉu, chẳng khác nhà vệ sinh ở trường cấp Một là mấy. Giống như cảm giác rơi từ thiên đường xuống địa ngục vậy, bởi vì trước đó, bố tôi cũng là một người đàn ông có tiền. 


Nhưng tôi nhanh chóng thích nghi được với nơi ở mới, bởi đây là nơi tốt nhất mẹ có thể lo được tại thời điểm đó. Mẹ tôi là một công nhân, mức lương ba cọc ba đồng, thậm chí, nếu không nhờ anh chị em giúp đỡ và được người quen tốt bụng cho thuê chỗ ở với giá rẻ mạt, mẹ con tôi sẽ chẳng có nơi để mà ở. Với lại, thật ra, không phải tôi chưa từng sống ở những nơi như thế này, trên con đường bố dẫn chúng tôi đi trốn nợ. 


Chỉ có hai điều tôi không thể quen được. Một, là nơi này không có mạng, nên tôi và cậu mất liên lạc ba tháng. Cũng là ba tháng hè tôi ở nhà, không đi đâu cả, cắt liên lạc hoàn toàn với bên ngoài, chỉ ngủ, mắt nhìn trần nhà thao láo. A, nóng thật đấy, cái quạt kia chẳng cảm thấy mát gì cả. A, khó thở quá, có lẽ tại cửa đóng, nhưng mình chẳng có sức để mà đứng dậy mở cửa. A, sao mình cảm thấy khổ sở thế này? 


Tôi mười bốn tuổi không biết mình bị trầm cảm, chỉ biết rằng mình thật đáng chết.


Tôi nghĩ mình bắt đầu bị trầm cảm từ lúc đó. 


Tôi không muốn đổ tội cho mẹ. Mẹ là người phụ nữ mạnh mẽ nhất mà cậu có thể gặp được trên đời này. Bị chồng phản bội, bị đuổi khỏi căn nhà do tay mình vun vén, đồng lương ba cọc ba đồng mà vẫn phải nai lưng làm những công việc nặng nhọc, mẹ hoàn toàn có quyền cảm thấy ức chế, cáu gắt, và tìm một chỗ để trút giận cho bớt khó chịu. Cái chỗ trút giận đó là tôi, đứa con gái mang dòng máu của một ông chồng tệ bạc, nét mặt, tính cách hao hao giống ông ta. Nói nhiều đến mức tôi căm ghét bản thân mình.


Máu chảy trong người tôi tởm vì là máu của "nhà nội". Khuôn mặt tôi tởm vì là nét của "nhà nội". Tính cách tôi hư hỏng vì là "con cháu nhà nội". Chỉ có đôi mắt tôi là đẹp, vì đó là đôi mắt của ông ngoại. Giá trị của tôi là gì, tôi là ai, tôi có nên được sinh ra không?


Đau lắm, Nhi ơi. Cảm giác bị nguyền rủa, chì chiết bởi những lỗi vụn vặt thực sự là rất đau, tôi đã khóc cạn cả nước mắt những ngày đó rồi. Lỗi to nhất của tôi chính là làm con của bố. Tôi còn nhớ, khi đó tôi đã phải dìm đầu mình xuống chậu nước, khóc dưới đó để mẹ không thể nghe thấy. Trong ngôi nhà này, khóc chính là một cái tội. Khóc là biểu hiện của sự mềm yếu, đớn hèn, trong khi một người đàn bà bị chồng bỏ, một đứa con gái bị bố bỏ, chúng tôi không được phép yếu đuối. 


Mẹ tôi là người duy nhất có quyền khóc, nên khi bà chưa khóc, tôi cũng không được phép rơi nước mắt. Tôi không hạnh phúc, nhưng tôi cũng không được phép cảm thấy bất hạnh. 


Lúc ấy, tôi chỉ mong gặp lại cậu thôi. Nên là, tôi phải dùng iPad cũ được bố mua cho lúc trước, tôi mang theo khi chuyển nhà, để bắt trộm wifi nhà hàng xóm. Có lúc, phải ra đến tận đầu ngõ mới gửi được một cái tin. Nhưng chẳng sao cả, vì chúng ta lại được nói chuyện. Mẹ tôi biết cậu đấy, rồi bảo khéo tôi bị lừa, dạo này báo đài đưa tin ầm ĩ mấy vụ như vậy. Mẹ cậu cũng thế, đúng không? Rồi chúng ta cười phá lên. 


Những ngày tháng đó vui biết mấy. 


Cậu, dù cậu không biết, cậu đã kéo tôi khỏi vũng lầy của việc tự làm hại mình. Nhiều lúc, giữa lớp học, nở nụ cười vui vẻ với thầy cô và bạn cùng lớp, tôi thấy mình đang chết dần. Có lần, tôi còn khóc toáng lên giữa lớp học mà chẳng hiểu vì sao, ai hỏi gì cũng không nói. Tôi cảm thấy thực sự tệ.


Nhưng tôi biết có một người vẫn luôn hiểu, yêu mến tôi, quan tâm đến tôi, như vậy là đủ để tôi cảm thấy ít ra mình còn có giá trị, mình còn quan trọng với ai đó, rằng sự tồn tại của mình chẳng phải là một lỗi sai như mẹ tôi vẫn thường đay nghiến. Rằng, tôi chưa được chết, nếu chúng ta còn chưa gặp nhau. Rằng, tôi không được làm hại mình, không được bỏ bữa, vì cậu đã nói với tôi như thế rồi.


"Nhi này, tao thích mày, tao thích mày lắm đấy."

"Ừm."


Cậu biết, cậu có biết không? 


(Hết phần 1)


Tác giả: Hoàng Minh


Từ một câu chuyện có thật.

BẢN THẢO
Bài viết liên quan