Mụ Lý

Ánh trăng sáng soi bước đường đi cho kẻ lang thang trở về.

“Mày cứ cẩn thận, sau này lại giống con mụ Lý.”

“Yêu đương vớ vẩn, nhìn mụ Lý điên mà chưa sợ à?”

“Con mụ điên…”

_________________________________


Làng tôi có mụ Lý, một người đàn bà điên. Mụ hay tha thẩn gần cái mương khu bãi đầu làng đến nghĩa trang um tùm cỏ. 


Mụ Lý chẳng có con cái gì. Cô độc một mình ở cái chòi dựng tạm từ năm nào, ngày ngày đi đi lại lại trong làng và nghĩa trang. Có khi người ta thấy mụ nằm ngủ bên cạnh mấy nấm mộ, người lấm lem bùn đất. Bộ dạng mụ ta lúc nào cũng nhếch nhác, bẩn thỉu. Quần áo rách rưới chẳng nhìn nổi là màu gì, tóc rối tung đầy bùn, hai tay hai chân cũng đầy đất cát. Mỗi khi thấy mụ, người làng tôi đều né tránh như thấy một thứ gì kinh tởm lắm, họ nguýt dài, chửi mắng rồi đuổi mụ đi. Mấy người bán hàng trong chợ lúc nào cũng lăm lăm cái gậy, thấy mụ là lại khua, lại đánh:

“Con mụ điên, đừng có đụng vào hàng của tao. Mới sáng ra đã xúi quẩy!”


Chẳng phải riêng gì người lớn, đám trẻ trong làng cũng thế. Bãi đất đầu làng là chốn tụ tập của lũ trẻ. Chiều nào tan học chúng cũng tập trung ở đó chơi đá bóng, nhảy dây hay bắn bi. Thấy bóng người đàn bà tha thẩn gần đó, chúng huých nhau hát mấy câu vè độc địa mà người lớn hay dùng để dạy chúng:

“Ve vẻ vè ve, nghe vè mụ Lý,

Lúc bé làm đĩ, lớn lên giật chồng, ...”


Nghe mấy câu vè của lũ trẻ, mụ Lý hình như lại lên cơn. Mụ chạy lại gần đám trẻ con đang hát, đôi mắt đỏ ngầu sau mái tóc bù xù, Mụ nổi điên lên:

- Tao không giật chồng, tao không giật chồng. Chúng mày hại tao, tất cả là tại chúng mày hại tao!

Mụ lao đến, không chú ý lũ trẻ tinh ranh đã chuẩn bị những trò đùa tai quái. 


Sợi dây chắn khiến mụ ngã nhào về phía trước. Đôi tay bẩn thỉu hình như rướm máu. Mụ chẳng thấy đau, vẫn ánh mắt đỏ ngầu xen lẫn chút thù hằn, mụ lao về phía bọn trẻ - lúc này vẫn đang cười khúc khích sau trò đùa của mình. 


Thấy người đàn bà điên, chúng sợ hãi bỏ chạy toán loạn. Có thằng nhóc không may vấp trúng mô đất nhô lên té ngã, chưa kịp phản ứng đã bị mụ Lý tóm được. Nó sợ hãi gào khóc ầm ĩ, khiến lũ trẻ con xung quanh cũng sợ sệt theo. 


Mụ Lý tóm lấy cổ nó, liên tục lặp đi lặp lại:

- Mày hại tao, chính là chúng mày hại tao!


Người đàn bà dùng sức, thằng bé sợ quá ngất lịm đi, lũ trẻ còn lại hô hoán:

- Bố ơi mẹ ơi, mụ Lý điên định giết người!


Vừa gào thét, chúng vừa lấy đất đá gần đó ném mạnh vào người mụ Lý. Người lớn tới, mặt và đầu người đàn bà điên đã đầy những vết bầm tím và máu, nhưng mụ vẫn túm lấy thằng bé kia. Người nhà của đứa trẻ gọi nhau kéo mụ ta ra xa, rồi đánh cho người đàn bà điên một trận thừa sống thiếu chết. Đến khi người làng đi hết, mụ Lý vẫn nằm đó mà lẩm bẩm:

- Không phải tao, không phải tao…

_____________________________________________


Trước đây Lý là một người con gái đẹp có tiếng trong vùng. Nhà bà đông anh chị em, bà là con út. Dù nhà khó khăn Lý vẫn được bố mẹ và các anh chị chiều chuộng, chưa thiếu ăn thiếu mặc bao giờ. 


Đến tuổi lấy chồng, bà được nhiều người hỏi cưới. Ở làng cứ vài ba hôm lại có người đến nhà bà “uống nước”, gợi chuyện xin được rước bà về, nhộn nhịp như hội. Nhiều là thế, nhưng bà chẳng ưng ai. Bố mẹ cũng thương nên để bà tự nguyện, không ép uổng. 


Rồi bà gặp Hiểu, một chàng kỹ sư trẻ từ thành phố đến khảo sát ở làng. Cuộc gặp gỡ vô tình khiến Lý và cả Hiểu cùng rơi vào lưới tình. Ông Hiểu tặng cho bà một cái vòng tay làm đính ước. Họ yêu nhau say đắm nhưng gia đình bà lại ra sức ngăn cản khi bà đưa ông Hiểu về. Bà Lý vờ nghe lời nhưng vẫn qua lại cùng ông Hiểu, trong một phút lỡ làng bà đã có một đứa con với ông. 


Khi biết chuyện, gia đình bà như trải qua một trận chiến dài, lần đầu tiên bà bị bố mẹ đánh. Uất ức, bà cùng ông Hiểu lên kế hoạch trốn đi. 

Và bi kịch bắt đầu từ đó.


Khi cùng ông Hiểu lên thành phố, bà Lý mới vỡ lẽ là ông đã có vợ và cả con rồi. Lúc này bà mới hiểu tại sao gia đình lại ngăn cấm bà yêu ông. 


Bà Lý như cái gai nhọn trong mắt vợ cả và cả những đứa con của ông Hiểu. Mang danh làm đĩ, phá hoại hạnh phúc của gia đình người ta, bà bị hàng xóm người thân nhà ông Hiểu đuổi đánh thừa sống thiếu chết. Suốt một thời gian dài, bà Lý sống chui sống lủi trong kho cũ, đói khổ nhục nhã đến ám ảnh.


Bà bị bắt ở trong cái kho cũ cạnh bếp, ngày ba bữa ăn cơm thừa, tuyệt không được chường mặt ra ngoài. Ông Hiểu cả tháng trời mới đến gặp bà được một lần rồi lại bỏ đi công tác, mặc bà chịu tủi nhục.


Cuộc đời Lý chưa từng nghĩ sẽ đến bước đường ấy. Uất ức, bà Lý toan bỏ đi nhiều lần. Thế nhưng nghĩ thương đứa con trong bụng chưa sinh mà chịu kiếp không cha và nhớ lại lời nói ngọt ngào của ông Hiểu, bà Lý vẫn ngậm đắng nuốt cay ở lại. 


Bà nhịn đói hàng tuần trời, người gầy rộc đi như ma đói, mái tóc rụng chỉ còn lơ thơ. Chẳng ai nhận ra nổi người con gái đã từng xinh đẹp năm ấy nữa. Chỉ gần một năm mà gương mặt bà hằn lên nét khổ đau của cả đời người. Cũng vì chữ “yêu” mà đời bà oan trái, tàn tạ như mớ giẻ bẩn thỉu.

Nhưng ngày tháng khổ đau ấy vẫn chẳng kết thúc.


Vợ ông Hiểu từng xuống nước dỗ ngon dỗ ngọt để bà rời khỏi ông, mong bà không xuất hiện trước mặt ông Hiểu nữa. Bà Lý cũng thương vợ cả phải kiếp chồng lăng nhăng, nhưng lại không thể kìm lòng rời đi được. Vì bà cũng yêu ông Hiểu, mà con bà cũng chẳng thể mồ côi. Trở về quê cũ, chờ đợi bà và đứa con nhỏ chỉ là lời nhục mạ đàm tiếu, vậy thì còn khốn khổ hơn nữa.

Biết chẳng thuyết phục được, người vợ kia càng thù hằn bà Lý hơn nữa. Bà ta dùng đủ cách trả thù bà Lý và ông Hiểu.


Cuối cùng bà Lý cũng không trụ được thêm nữa, chịu nhiều hành hạ lại thêm bị bỏ thuốc, đứa con của bà đã mất. Đau đớn hơn, cả đời này bà sẽ chẳng thể có thêm bất kỳ đứa con nào nữa. 

Mất con, bà Lý như hóa điên hóa dại, muốn lao đến giết chết luôn cả người vợ cả để rửa thù. 


Nhưng người vợ kia lại nhanh hơn một bước. Bà ta lột hết đồ của Lý rồi ném bà ra giữa đường cho bàn dân nhục mạ. Ông Hiểu chứng kiến tất cả, nhưng mặc kệ bà quằn quại trong đau đớn và nhục nhã, ông tuyệt nhiên chẳng làm gì. 


Cuối cùng bà Lý bị thả trôi sông trước sự hả hê của gia đình ông Hiểu và sự lãnh lẽo của người đàn ông bà tin tưởng bấy lâu.

Nhưng bà không chết. 


Bà dạt vào bờ rồi được người ta cứu, từ đấy thành kẻ lang thang. Tiếng đồn gần xa, ai cũng biết bà là kẻ mặt dày giật chồng người khác. Họ hả hê khi nhìn thấy kết cục của người đàn bà bất hạnh ấy và quên đi rằng kẻ đáng tội phải là tên đàn ông đang tâm lừa dối cả hai người phụ nữ.

“Sống cho tử tế, đừng đi giật chồng như con mụ Lý …” hễ thấy bà mọi người lại phỉ nhổ.

_____________________________________________


Một buổi tối lạnh lẽo, trong cái chòi xập xệ ẩm thấp. Người đàn bà điên rách rưới ngồi phục xuống đất, nước mắt chảy dài lặng lẽ. 

Tay bà nắm chặt chiếc vòng tay, hơi lạnh từ chiếc vòng truyền đến từng xúc cảm. Lạnh, lạnh như lòng người. 


Hình như xa xa, có tiếng trẻ con gọi “Mẹ ơi”

Người đàn bà nằm vật xuống đất, nước mắt lẫn cả đất cát, chảy xuống thành đốm đậm màu trên nền căn chòi. 


Ánh trăng sáng soi bước đường đi cho kẻ lang thang trở về.

_____________________________________________


“Mụ Lý điên chết rồi”


Cả làng ầm ĩ hết cả lên. Lâu nay không thấy mụ Lý điên, họ cứ nghĩ là do mấy trận đánh nên mụ không còn đi tha thẩn nữa. Sáng nay có người đi làm cỏ thuê ở gần nghĩa trang, đến khu chòi nơi mụ thường ở, người ta thấy có mùi lạ bốc lên. Vào xem thì thấy mụ Lý nằm dưới đất, chết từ lâu. Xung quanh ruồi muỗi bâu đầy xác mụ, cả người mụ bẩn thỉu nhếch nhác, duy chỉ có chiếc vòng ở cổ tay là sạch sẽ, hình như còn phát sáng trong cái chòi tối tăm.


Tin người đàn bà điên chết khiến ai nấy đều vui vẻ. 

“Cái loại đàn bà đấy chết cũng đáng thôi.”

“Cứ cẩn thận không sau này giống con mụ Lý”

“Nhìn con mụ đấy đi, cái loại giật chồng chỉ có kết cục ấy thôi”


Không ai biết, cũng chẳng ai hay, trong đêm lạnh giá ấy, dưới ánh trăng sáng vằng vặc, một linh hồn đã được giải thoát.

“Mẹ đến với con đây”



Tác giả: Cấn Khánh Linh

BẢN THẢO
Bài viết liên quan