"Stress của chị có bằng trầm cảm của tôi không?"

“có chút xíu xiu chuyện mà đã không chịu nổi thì sau này ra đời, bao nhiêu sóng gió nữa thì phải làm sao?”

Năm đầu tiên vào đại học tôi là một cô bé vui vẻ, nhiều người nói rằng tôi rất tốt bụng, rất biết cách quan tâm người khác, và cũng rất biết cách làm cho một người lạ cảm thấy hạnh phúc. Tôi vui sướng với những gì họ nói lắm bởi bản thân tôi chưa bao giờ được ai đó quan tâm như cách tôi quan tâm mọi người.


Lên năm hai đại học, tôi có một mối quan hệ tốt, đó là một người em chung trường. Bởi vì không có chị em gái nên tôi xem cô bé ấy như chính người em ruột của mình, có khi còn hơn cả thế. Chẳng ai biết một người bao đồng như tôi lại lo lắng cho em đến từng giấc ngủ, từng lần em bất chợt ra ban công ngồi lặng khóc – vì em bị trầm cảm.


Có mấy lần tôi bị bạn bè xung quanh nói bản thân mình đang lo lắng dư thừa cho một ai đó, rằng tôi đang làm một việc mà cô bé ấy không cần tôi phải giúp đỡ. Vậy mà tôi cứ đâm đầu vào quan tâm em.


Bởi lẽ, tôi cũng như em, cũng đã từng là một cô bé chân ướt, chân ráo đến một nơi xa lạ không người thân. Cũng đã từng nhiều đêm ôm bụng gào khóc trong kí túc xá mà không biết phải gọi cho ai, vì ai cũng đang say giấc. Nếu ai nói rằng tôi làm việc “rảnh hơi, bao đồng” thì tôi chỉ im lặng mỉm cười cho qua, cứ xem như là họ và tôi không giống nhau.


Hơn ai hết, tôi cũng từng có một người chị không may qua đời cũng bởi vì sự vô tâm của những người xung quanh, chẳng ai thấy được nỗi đau mà chị tôi hằng đêm chịu đựng, chẳng ai nhìn thấy người chị bé nhỏ tội nghiệp của tôi gào khóc mà không biết phải gọi cho ai lúc nửa đêm. Để rồi ngày mẹ tôi đưa chị từ bệnh viện về, chị tôi đã khóc nấc từng hồi, nói rằng “mẹ ơi! Con đau quá, con đau quá, con chỉ có thể nói với mẹ thôi, con đau quá mẹ ơi!”


Vậy nên nếu có bất kì cơ hội nào để tôi có thể quan tâm tới một ai đó ngoài chính mình thì tôi đều sẽ dành hết những gì mình có cho họ, cho đến khi họ ổn hơn và không cần tôi nữa. Tôi muốn cho họ thấy rằng giữa dòng đời đôi khi lạnh lẽo này vẫn đâu đó có một tia nắng ấm áp.


Năm ba đại học, bài tập của tôi chồng chất, cùng những mất mát về một mối quan hệ đặc biệt mà tôi có bấy giờ. Tôi dần như đánh mất chính tâm hồn mà tôi vẫn luôn tự hào của mình. Tôi bắt đầu sa đọa, trở nên ít nói và gắt gỏng hơn. Và hơn tất thảy tôi chẳng tim được cho mình một ai để sẻ chia. Bởi xung quanh tôi, tất cả những mối quan hệ mà tôi có đều cần được tôi lắng nghe, chẳng ai cần lắng nghe tôi cả.


Và đứa em thân thiết ấy cũng dần trở nên xa cách với tôi. Chúng tôi ít nói chuyện hơn. Tôi biết em ổn vì xung quanh em có nhiều mối quan hệ tốt, có nhiều người bạn mà em có thể tâm sự, tôi cũng chẳng còn là người phù hợp với em vì cả hai chúng tôi lúc đó đều bận rộn để tự khâu lành vết thương cũ của mình.

Rồi một ngày em giận tôi, em trách tôi không quan tâm em như trước nữa, em trách tôi thiên vị một người khác với em. Em còn trách tôi đã không cho em nói lên suy nghĩ của chính mình. Thế là chúng tôi cãi nhau, vì cả hai chúng tôi đều nóng tính thành ra mối quan hệ ấy dần trở nên căng thẳng đến khi em xách va li ra khỏi phòng.


- Chị thì có cái gì mà stress chứ, người stress mới chính là tôi!

- Vậy chị không có quyền được stress sao?

- Stress của chị có bằng trầm cảm của tôi không mà chị nói!


Tôi im lặng trước câu nói đó của em, và chui trong chăn khóc nức nở. Cả phòng tôi đều nghe thấy tiếng khóc thất thanh đó của tôi, khoảnh khắc đó tôi tưởng chừng như mình đã chết.


Và lại một lần nữa tôi mất đi một mối quan hệ, chỉ vì tôi quên lắng nghe em, chỉ vì tôi lỡ than vãn với em rằng tôi đang stress.


Tôi hủy kết bạn với em và em thì “Block” tôi.


Trong suốt cuộc đời của mình, tôi đã luôn chứng kiến cảnh mẹ tôi ra vào bệnh viện, và cũng từ bệnh viện tôi mất người chị gái duy nhất. Vậy nên đối với tôi mà nói việc đem bệnh tật ra so sánh hay đem các vấn đề ra để nói ai nặng hơn ai là thứ mà tôi ghét nhất. Nhưng giờ đây ai đó đang so sánh nỗi đau của tôi đang nhẹ hơn những điều mà người ấy chịu đựng. Tôi cũng chẳng còn lý do để níu giữ mối quan hệ mà chúng tôi cứ phải dành nhau đứa nào mệt hơn đứa nào.


Đôi khi có những điều tưởng chừng như rất bé nhỏ như vậy cũng đủ làm người ta từ bỏ một mối quan hệ đã từng rất bền vững.

Bạn bè của tôi lần lượt chửi tôi ngu, chửi tôi là một đứa rảnh chuyện khi quan tâm tới một đứa vô ơn như vậy, giờ đổi lại thứ tôi có chỉ là sự tổn thương và mất mát. Như mọi lần, tôi lại chỉ im lặng và mỉm cười.


Lên năm tư đại học, tôi tự tạo bốn bức tường màu đen xung quanh giường của mình, tôi từ chối giao tiếp với những ai muốn tiếp xúc với tôi. Thậm chí trong suốt một thời gian dài chẳng ai thấy được mặt của tôi cả.


Ở trong bốn bức tường đen tối đó tôi cảm thấy mình được an toàn, được bảo vệ. Và dường như chỉ có thứ ánh sáng “đen” ấy mới có thể lắng nghe nỗi lòng của tôi. Tôi luôn thủ sẵn trong mình một tâm thế chà đạp lên bất cứ thứ gì nếu nó vô tình mang đến cho tôi thứ ánh sáng ngoại lai nào đó.


Giờ thì lòng tôi đã đóng, những tấm màn vải xung quanh giường dù tôi đã tháo ra nhưng ánh sáng “đen” mà nó mang lại thì vẫn còn đó.

Có một ngày, bạn tôi dẫn tôi đi tư vấn bác sĩ tâm lý, trải qua một đống các bài kiểm tra như vẽ tranh, kể chuyện thì bác sĩ kêu bạn tôi lại và nói điều gì đó. Sau đó ông nói với tôi rằng tôi đang bị rối loạn trầm cảm nặng, cần phải uống thuốc. Tôi cũng chẳng ngạc nhiên mấy, cứ như vậy theo lời bác sĩ mà làm. Bởi nhiều điều lúc ấy đối với tôi không còn quan trọng nữa.


Có nhiều người khi nghe xong câu chuyện của tôi rồi họ nói rằng “có chút xíu xiu chuyện mà đã không chịu nổi thì sau này ra đời, bao nhiêu sóng gió nữa thì phải làm sao”. Tôi mặc kệ, tôi ngồi khóc cái đã.


Một hôm tôi vào nhà tắm rửa mặt. Ngạc nhiên thay kẻ đứng trước mặt tôi lại bật khóc nức nở, tôi thì đang mỉm cười, còn mỉm cười vì điều gì thì tôi cũng chẳng rõ.



Tôi nghe thấy đâu đó thoang thoảng câu nói quen thuộc “stress của chị có bằng bệnh trầm cảm của tôi không?”.


Người viết: Vi Đại Bình

______________

Cuộc thi Viết Để Trưởng Thành được tổ chức định kỳ 03 tháng/lần. Thông tin chi tiết về cuộc thi vui lòng xem tại: http://bit.ly/cuocthiVDDT

Bản quyền bài viết thuộc về A Crazy Mind và cuộc thi Viết Để Trưởng Thành. Mọi đăng tải lại cần trích dẫn nguồn đầy đủ theo cú pháp: “Tên tác giả – Nguồn: A Crazy Mind – Viết Để Trưởng Thành”

BẢN THẢO
Bài viết liên quan