Làm thế nào để vượt qua những nỗi đau trong quá khứ?

Là con người, ta đều sẽ có nỗi đau, dù đó là nỗi đau thể chất hay tinh thần. Bạn không thể là một người lớn, người cao tuổi hay thanh niên mà chưa trải qua bất cứ cảm xúc đau đớn nào.

“Làm thế nào để tôi có thể vượt qua những nỗi đau trong quá khứ?”

 

Đó là câu hỏi mà chúng ta luôn tự hỏi khi phải trải qua cảm xúc đau lòng hay mất mát. Là con người, ta đều sẽ có nỗi đau, dù đó là nỗi đau thể chất hay tinh thần. Bạn không thể là một người lớn, người cao tuổi hay thanh niên mà chưa trải qua bất cứ cảm xúc đau đớn nào. 

 

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả nỗi đau là cách bạn đối diện với nó. Bạn có thể thấy chuyên gia tài chính, kinh tế, ngôn ngữ, nhưng tuyệt nhiên không ai có thể tự xưng mình là chuyên gia đối phó với nỗi đau.

 

Bởi, giới hạn chịu đựng của mỗi người khác nhau. Trước khi đến với bài viết, bạn cần hiểu nỗi đau muôn hình vạn trạng và không ai có quyền phán xét nỗi đau của người khác, dù đó là nỗi buồn khi thất tình, nỗi đau mất người thân, sự khổ sở khi phải làm việc mình không thích, hay đơn giản là sự cô đơn. 

 

Ở bài viết dưới đây, mình sẽ phân tích về góc độ nỗi đau tinh thần. Khi bạn cảm thấy thoải mái và không phán xét nỗi đau của chính bản thân mình, hãy cùng đọc bài viết nhé!

 

I. Nỗi đau tinh thần là gì và do đâu?


Theo tổ chức y tế OSF Healthcare, Nỗi đau tinh thần là nỗi đau đến từ những vùng “khuất” trong cuộc sống. Hiểu đơn giản, bạn có thể nhìn thấy nỗi đau vật chất của một người khuyết tật, nhưng sẽ không nhìn thấy nỗi đau của những người mắc bệnh tâm lý (trầm cảm, rối loạn lo âu,...).

 

Nỗi đau tinh thần thường được chia thành ba loại:


  • Ý nghĩa - Bạn cố gắng đấu tranh với “ý nghĩa” đằng sau cuộc sống, các mối quan hệ và thế giới xung quanh. 
  • Tha thứ - Nỗi đau bắt nguồn từ việc không thể tha thứ cho người đã làm bạn tổn thương. 
  • Hy vọng - Cảm giác trống rỗng, không còn hy vọng gì. 

 

Nỗi đau tinh thần không phân biệt giới tính hay tuổi tác, và nó có thể xuất hiện ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc đời. Bản thân xã hội chưa nhìn nhận đúng đắn về thứ gọi là “sức khỏe tinh thần”, do đó việc đối phó với nỗi đau tinh thần càng trở nên khó khăn hơn. 

 

 

Có nhiều nguyên do hình thành nỗi đau tinh thần của một người, nhưng phần lớn trong số chúng đến từ những sự kiện đau đớn trong quá khứ. Bởi, các sự kiện quá khứ như bạo hành gia đình, bị xâm hại, bạo lực gia đình mang sức công phá rất lớn tới nạn nhân, nhất là khi nạn nhân không đủ điều kiện để bảo vệ bản thân mình. 

 

Ví dụ, việc phải chịu đựng bạo hành từ nhỏ sẽ khiến nạn nhân khó mở lòng với các mối quan hệ khi lớn lên. Thậm chí khi lập gia đình, nhiều người sẽ lặp lại đúng hành vi bạo lực của cha/ mẹ của họ đối với con cái/ vợ/ chồng của họ. Bản thân họ không nhận ra nỗi đau tinh thần mà họ đang phải chịu đựng, và cũng không biết cách để vượt qua. 

 

II. Có thể phòng tránh nỗi đau tinh thần không?


Thật buồn nhưng câu trả lời là không. Bạn không thể dự đoán những điều sắp xảy ra với mình, kể cả khi bạn đã có kinh nghiệm với các sự kiện tương tự. 


Điều bạn cần làm là thẳng thắn đối diện với nỗi đau từ quá khứ, và cố gắng vượt qua, bước tiếp.

 

Việc này giống như việc vì yêu có thể đem đến những tổn thương, nên bạn không muốn yêu hoặc đóng kín trái tim mình. Tuy nhiên, điều này có thể khiến bạn thêm dằn vặt vì những sai lầm trong quá khứ, đặc biệt là bạn sẽ luôn cảm thấy cô đơn do không ai hiểu mình. Điều bạn nên làm là đối phó với những tổn thương từ mối quan hệ trước đó, và sẵn sàng đến với người tốt hơn. 

 

Vậy, có cách nào để vượt qua nỗi đau tinh thần hay không? Hãy đến với phần tiếp theo sau đây. 


III. 9 cách vượt qua nỗi đau trong quá khứ

Như mình đã nói ở trên, nỗi đau muôn hình vạn trạng. Và cách để vượt qua chúng cũng vậy. Không có quy ước chính xác nào mà bạn bắt buộc phải làm nếu muốn bước tiếp. Dưới đây chỉ là một vài lời khuyên, phương pháp mà bạn có thể thử khi cảm thấy nỗi đau quá lớn để vượt qua. Nó chỉ tốn của bạn 5 phút, vậy nên hãy dành 5 phút này để xem xét sức khỏe tinh thần của chính mình. 



  • Đừng cố định mình trong các suy nghĩ “lẽ ra mình nên làm như này…”. 

Việc này không chỉ dằn vặt bạn thêm, mà còn khiến bạn mất thời gian nên dành để tìm các cơ hội mới. Bởi, có suy nghĩ thì không thể thay đổi được gì. Bạn hiểu mà phải không? Ai cũng hiểu rằng ta không thể thay đổi quá khứ. Nhưng không ai chịu vứt mớ suy nghĩ bòng bong ấy sang một bên. Ngoài kia chắc chắn còn nhiều điều đang chờ đợi bạn, đừng chỉ nhốt mình trong chiếc hộp sắp vỡ. 

 

  • Một cánh cửa mới chắc chắn sẽ mở ra.

Hãy nghĩ một cách đơn giản rằng “Sẽ chẳng còn điều gì có thể tồi tệ hơn được nữa”. Khi nghĩ như vậy, bạn sẽ sẵn sàng tìm đến các cơ hội mới hơn. Kể cả cơ hội đó có là gì, thì nó vẫn tốt hơn việc bạn mắc kẹt trong những tổn thương từ quá khứ. 

 

  • Tạo khoảng cách với những gì có thể khiến bạn nhớ lại quá khứ.

Hãy dùng trực giác. Và đừng phụ thuộc quá nhiều vào lý trí. Đây không phải thời điểm mà lý trí sẽ đem lại lợi ích cho bạn. Những tấm ảnh cũ, khăn choàng cũ hay bất cứ đồ vật trong nhà có thể gợi lại quá khứ, hãy để chúng ra ngoài tầm mắt của bạn. Bạn cần hiểu rằng mức độ sức khỏe tinh thần của bạn đang dưới mức trung bình, và bạn cần thời gian để ổn định lại cảm xúc. 

 

Theo tiến sĩ tâm lý học lâm sàng Ramani Durvasula: “Tạo ra khoảng cách giữa chúng ta và người hoặc đồ vật gợi lại quá khứ có thể giúp ta bước tiếp đơn giản vì chúng ta không phải nghĩ về tổn thương, hay bị ép phải đối mặt với nó.”

 

  • Thiền hoặc thực hành Chánh niệm

Chánh niệm hay còn gọi là cách con người tập trung vào từng phút giây của thời điểm hiện tại. Lisa Olivera - một nhà trị liệu cho biết rằng ta càng tập trung vào thời điểm hiện tại, thì quá khứ hoặc tương lai càng ít ảnh hưởng tới trạng thái tinh thần của chúng ta. 

Khi thực hành Chánh niệm, nỗi đau tinh thần sẽ trở nên dễ kiểm soát hơn và bản thân ta có thể lựa chọn cách đối diện với cuộc sống của chính mình. 


 

  • Chăm chút cho bản thân.

Khi bạn đã bỏ bê bản thân trong một thời gian dài vì những tổn thương tinh thần, đây là lúc bạn nên chăm sóc cho bản thân. Đó không chỉ là việc trang điểm, diện những bộ quần áo bạn yêu thích, mà còn là việc học một kỹ năng mới, một điều gì đó mới mà bạn đã từng rất muốn làm. Học nấu ăn, trang điểm, học chơi bóng rổ hay bất cứ hoạt động nào giúp bạn giải tỏa những cảm xúc tiêu cực bấy lâu nay.

 

  • Chấp nhận rằng người kia đã là quá khứ

Phần lớn mọi người sẽ đổ lỗi cho ai hoặc hoàn cảnh nào đó khi họ cảm thấy quá khó để vượt qua nỗi đau tinh thần. Thậm chí có những người đổ lỗi cho bản thân họ và có xu hướng tự hại để giải thoát. Quá khứ là không thể thay đổi, nhưng đó chỉ là quá khứ. Hãy hiểu rằng điều đó sẽ không hủy hoại hiện tại hay tương lai của bạn. Hiện tại là do bạn nắm giữ, và bạn có quyền quyết định cuộc sống của mình. Thay vì đổ lỗi và để cảm giác hận thù chi phối, bạn nên sớm lấy lại quyền chủ động trong cuộc sống của mình. 

 

  • Ở bên những người bạn cảm thấy an toàn và những người đó không ép bạn phải bộc bạch nỗi đau của mình.

Khi có tổn thương tinh thần, điều một người cần nhất là sự lắng nghe. Bởi, bạn biết đấy, ai trong chúng ta cũng sợ sự phán xét. Có thể nỗi đau của bạn không là gì đối với người khác. Hoặc họ đang cố gắng phán xét bạn dưới vỏ bọc muốn bạn “mạnh mẽ” hơn. Hãy thẳng thắn nói với họ rằng sức chịu đựng mỗi người khác nhau và họ nên dừng việc làm bạn thêm tổn thương. Hãy tránh xa những người hay phán xét và gặp những người bạn cảm thấy an toàn. Những người quan tâm bạn thật sự sẽ không yêu cầu bạn phải kể ra chỉ khi bạn sẵn sàng kể. Và họ nên là những người lắng nghe thay vì đánh giá.

 

  • Hãy cố gắng cho đến khi bạn thực sự có thể kể lại trải nghiệm đó. 

Thước đo của việc bạn đã vượt qua được nỗi đau trong quá khứ là khi bạn thoải mái kể lại trải nghiệm của mình. Trong Nomadland, một bộ phim về những người du mục, người cha đã không thể nói hết câu khi kể lại việc con trai của ông đã tự sát. 10 năm không đủ để nhân vật này vượt qua nỗi đau của họ. Hãy chắc chắn bạn đã ổn khi bạn có thể kể lại câu chuyện của mình một cách trơn tru với người khác. Đừng quá vội vàng, việc chữa lành luôn cần thời gian. 


 

  • Tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp

Trong nhiều trường hợp đặc biệt, khi nỗi mất mát tinh thần là quá lớn như việc mất đi người thân, áp lực khổng lồ trong thời gian dài, hay bạn từng có các triệu chứng về các bệnh tâm lý, hãy tìm đến sự trợ giúp chuyên nghiệp. Đó có thể là bác sĩ tâm lý hoặc bệnh viện. Nên nhớ là một vị bác sĩ giỏi là một người biết lắng nghe. Vì thường những nỗi đau như vậy không dễ gì để kể ra và đối diện với nó. Hãy tìm sự trợ giúp khi bạn cảm thấy mình không thể tiếp tục chịu đựng được nữa hoặc có những dấu hiệu như khó thở, đau đầu triền miên, cảm giác đè nén,...

 

Bạn biết đấy, trong cuộc sống sẽ có một vài nỗi đau tinh thần bạn biết trước sẽ dễ xảy ra như việc mất đi người thân, những bệnh tâm lý như trầm cảm sau sinh, sau phẫu thuật,... Khi bạn đã biết, hãy thực hành những phương pháp chữa lành ngay từ bây giờ để có sức khỏe tinh thần ổn định. Sức khỏe tinh thần là điều cần được phổ biến về tầm quan trọng cho tất cả mọi người. Bởi đôi khi nó còn gây ảnh hưởng tới một người nhiều hơn là sức khỏe thể chất. Không có tay bạn có thể dùng bộ phận cơ thể khác để thực hiện mục tiêu. Nhưng một khi “tinh thần” hỏng hóc, bạn sẽ chẳng thể làm được gì. 

 

Hãy dành ra 10 phút sau khi đọc bài viết này để nhìn lại cách mình đối phó với nỗi đau tinh thần như nào, liệu bạn có đang mặc kệ những tổn thương ấy gặm nhấm bạn không? Và nếu có thể, hãy phổ cập những kiến thức đúng đắn về sức khỏe tinh thần đến những người bạn yêu thương nữa nhé!


Nguồn ảnh: Unplash

Tác giả: dgd93iryxiq6o

BẢN THẢO
Bài viết liên quan