Quá nhạy cảm không phải là lỗi của bạn, lỗi là ở việc bạn không công nhận chính mình

Bạn có tin không? Có tới gần 30% dân số thế giới thuộc nhóm người nhạy cảm cao. Nhưng không phải tất cả trong số đó nhận ra được điểm mạnh của bản thân và được xã hội công nhận như những người bình thường.


Bạn có tin không? Có tới gần 30% dân số thế giới thuộc nhóm người nhạy cảm cao. Nhưng không phải tất cả trong số đó nhận ra được điểm mạnh của bản thân và được xã hội công nhận như những người bình thường. 

1/ Người nhạy cảm cao chính là người hướng nội


Người hướng nội thì sẽ nhạy cảm nhưng người nhạy cảm thì chưa chắc đã hoàn toàn là hướng nội. Đây có lẽ là “ẩn số' lớn nhất mọi người rất thường hay hiểu sai về người nhạy cảm cao. Có thể bạn đang nghĩ “Tại sao chúng ta không nói luôn là người hướng nội nhạy cảm mà phải tách ra làm hai “thế giới" tách biệt như vậy?" Lý do có lẽ chủ yếu đến từ đặc điểm tính cách của hai kiểu người này. Cả người nhạy cảm và người hướng nội đều bộc lộ ra bên ngoài một tính cách khá khép kín, thậm chí trong nhiều trường hợp, họ còn “sợ" giao tiếp xã hội nữa cơ. Thế nhưng, nếu bạn tinh ý một chút, bạn sẽ hiểu những đặc điểm tính cách riêng chỉ có ở người hướng nội hoặc ở người nhạy cảm cao. 


Thứ nhất, người hướng nội đặc biệt tránh tiếp xúc với những thứ gây kích thích mạnh đến từ những người xung quanh như sự kiện đông người, ánh sáng mạnh, âm thanh lớn từ đám đông,... Trong khi người nhạy cảm vẫn có thể tiếp xúc bình thường với những thứ đó, nhưng chỉ có điều, họ cố gắng tránh bị những điều đó làm cho “quá tải". 


Thứ hai, khi người hướng nội cảm thấy cô đơn, họ thường dành thời gian để “refresh” lại bản thân mà không có những người khác ở bên cạnh. Nói một cách đơn giản, họ muốn ở một mình những lúc buồn bã và thậm chí là tuyệt vọng và tự mình gặm nhấm nỗi đau ấy. Còn với người nhạy cảm, khi họ cảm thấy cô đơn hoặc đơn giản là có chuyện gì đó buồn rầu, họ vẫn có thể tiếp xúc với những người khác nhưng mức độ sẽ hạn chế nhất có thể. Họ sẽ tránh xa những người hoặc những nơi làm họ cảm thấy “quá tải” hơn. Đôi khi, người nhạy cảm còn cần có người khác ở bên cạnh mỗi lúc gặp chuyện. Vì lúc này, cá tính thích suy nghĩ và luôn luôn suy nghĩ tỷ mỷ khiến họ có khả năng càng rơi vào vòng xoáy của nỗi buồn. Vậy nên, một người biết lắng nghe và chịu lắng nghe họ tâm sự có thể là một liều thuốc cực hữu ích.



Cho dù là người hướng nội hay nhạy cảm, yêu và được yêu là những thứ họ luôn khao khát | Nguồn ảnh: Psych2go


2/ Người nhạy cảm cao luôn “phóng đại” suy nghĩ về mọi thứ


Thực tế, nếu bạn có bạn bè, người thân hay thậm chí ngay bản thân bạn thuộc kiểu người rất nhạy cảm, bạn sẽ nhận ra một sự thật rằng người nhạy cảm cao hầu như luôn xem xét tỷ mỷ đến từ chi tiết, khác hẳn so với những người bình thường khác. Một trong những lý do khiến người nhạy cảm cao trở nên “kỹ tính" đến mức khó tin như vậy là bởi cấu tạo não của họ. Trong khi người bình thường chỉ có thể nhìn được “bề nổi" của vấn đề thì người nhạy cảm cao thường nhìn thấy được cả “tảng băng chìm" của vấn đề đó. Có thể nói, họ luôn suy nghĩ thấu đáo trước khi hành động. Não của họ xử lý thông tin rất chi tiết, qua nhiều bước khác nhau, chứ không chỉ tiếp nhận và “gật gù" ủng hộ hay quay lưng lại phán xét. Vì vậy, những người nhạy cảm thường có xu hướng lắng đọng một hồi lâu, thậm chí một thời gian khá dài trước khi họ đưa ra quyết định hoặc hành động bất cứ điều gì, dù lớn hay nhỏ. 


Cụ thể, Mirror Neuron, tạm dịch là tế bào thần kinh phản chiếu hay tế bào thần kinh gương đặc biệt vượt trội ở những người nhạy cảm cao. Dây thần kinh này hầu như có phần lớn ở mọi người chúng ta nhưng lại đặc biệt “ưu ái" những người nhạy cảm cao. Nó đặc biệt giúp những người nhạy cảm luôn “đặt mình vào vị trí của người khác” trong hầu hết mọi tình huống. Thực tế, những người nhạy cảm thường đối chiếu bản thân với người khác, xem liệu mình sẽ cảm thấy như thế nào hoặc hành xử ra sao nếu mình là họ. Bạn có để ý không, người nhạy cảm cao rất dễ rơi nước mắt, hay rất dễ bị tổn thương nếu như bị một cú sốc tinh thần hay đơn giản chỉ là một câu chuyện buồn vu vơ của người khác. Đó là lúc dây thần kinh này phát huy tác dụng của nó.



Tế bào thần kinh gương (mirror neuron) đặc biệt ở người nhạy cảm cao | Nguồn ảnh: Psychology Today


Đó cũng là lý do vì sao nhiều người không thể giữ kiên nhẫn khi ở bên cạnh những người nhạy cảm cao. Họ thậm chí còn nhận xét một cách vô thức rằng người nhạy cảm cao lúc nào cũng chỉ suy nghĩ thái quá. Thay vì thốt ra những lời như “cứa vào tim" như vậy, tại sao chúng ta không thử một lần lắng lại và đặt mình vào vị trí của họ. Những suy nghĩ trong lúc nóng nảy thường để lại những hệ quả khôn lường. 


Còn đối với những người nhạy cảm cao, thay vì tỏ ra buồn bã, tự trách móc hay nghi hoặc bản thân, hãy tự nói chuyện với con người ngay bên trong bạn. Việc bạn sinh ra đã là người nhạy cảm, việc bạn luôn suy nghĩ kỹ lưỡng và cẩn trọng trong mọi việc chẳng có gì sai cả. Cái sai ở đây là bạn không công nhận chính mình và biết cách để phát huy “đặc quyền” mà tạo hoá đã ban tặng, đó là sự thấu cảm. Sự thấu cảm giúp chúng ta gần nhau hơn, giúp chúng ta thực sự hiểu và có một mối quan hệ chất lượng. Vậy tại sao bạn còn nghi ngờ chính khả năng thiên bẩm của mình chứ. Hãy tự tin lên, và hãy nhớ mình sinh ra đã là người đặc biệt. 

3/ Người nhạy cảm cao thường phản ứng thái quá. Tại sao họ lại không thể thả lỏng và suy nghĩ tích cực?


Như đã nói ở trên, người nhạy cảm có một điểm mạnh là chú ý đến nhiều thứ, cái mà mọi người coi là “hiển nhiên” thì họ lại cho rằng có điều gì đó ẩn sâu sau câu chuyện ấy. Thế nhưng, điểm mạnh ấy nếu không biết tiết chế lại hoặc linh hoạt hơn thì người nhạy cảm sẽ rất rễ rơi vào trạng thái “quá tải" vì suy nghĩ quá nhiều. 


Ví dụ, hãy tưởng tượng tình huống khi bạn trai hoặc người thương của bạn không nhắn tin thường xuyên hỏi thăm bạn như mọi ngày, là một người nhạy cảm, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy rất khó chịu và suy nghĩ bảy bảy bốn chín kiểu tình huống xấu nhất sẽ xảy ra. Rồi thậm chí, nếu đối phương cứ tiếp tục như vậy, những cuộc cãi vã có thể sẽ xảy ra mặc dù câu chuyện thực tế không nghiêm trọng đến mức như vậy. 


Khi yêu thương một ai đó, người nhạy cảm có xu hướng quan tâm nhiều hơn và chú ý đến những cử chỉ, chi tiết dù là nhỏ nhất của đối phương. Đến một lúc nào đó, khi những suy nghĩ ấy tích tụ mà không được giải quyết triệt để, cả hai người rất dễ rơi vào trạng thái “xa mặt cách lòng". Khi ấy, người thương của bạn sẽ nói ra những lời không hay. Ví dụ như "tại sao em/anh lúc nào cũng làm quá lên như vậy, tại sao em/anh không thể bớt suy nghĩ đi và thoải mái với mối quan hệ này. Rồi rất rất nhiều câu hỏi tại sao khác không có hồi kết. Đó cũng là câu chuyện có thể sẽ xảy ra với bất kỳ một mối quan hệ nào khác như tình bạn, tình cảm gia đình, đồng nghiệp,...


Đúng. Không dễ để người nhạy cảm cao suy nghĩ đơn giản và không hành động một cách quá cảm xúc. Là một người nhạy cảm cao, bạn cũng không cần phải tự trách bản thân mình hay thay đổi thành một phiên bản hoàn toàn khác vì bất kể một nguyên nhân nào, bất kể một người nào. Bạn tốt nhất khi là chính bạn. Và bạn hoàn toàn có quyền tự hào vì tính cách của mình. 


Tuy nhiên, trong cuộc sống, không phải lúc nào chúng ta cũng đúng, không phải lúc nào suy nghĩ của chúng ta cũng làm người khác tốt lên. Là một người nhạy cảm, bạn cần biết đâu là lúc tính cách của mình bộc lộ rõ nét nhất. Trước lúc đó, hãy hít thở thật sâu, lặng yên một lúc và lắng nghe tiếng nói từ trong con người bạn. Hãy biến việc suy nghĩ nhiều trở thành điểm mạnh của bạn. Suy nghĩ nhiều lúc này là suy nghĩ chín chắn, đa góc nhìn, chứ hoàn toàn không phải cứ suy nghĩ mãi một chuyện nhiều lần.



Người nhạy cảm cao không hẳn là suy nghĩ thái quá, họ luôn nhìn mọi việc dưới góc độ của sự thấu cảm | Nguồn ảnh: Psych2go


4/ Người nhạy cảm cao thường hay nhút nhát


Chắc hẳn bạn đã từng nghe hoặc đọc đâu đó rằng “người hướng nội rất hay được gắn mác là kẻ nhút nhát, ngại giao tiếp". Điều này cũng xảy ra tương tự với những người nhạy cảm cao. Như đã nói ở trên, người nhạy cảm có bản tính là suy nghĩ nhiều, và hay chú ý đến những thứ bình thường mà người khác không để ý. Chính tính cách đó khiến họ vô tình thu mình lại trong các buổi gặp mặt, những bữa tiệc hoặc những cuộc thảo luận sôi nổi. 


Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là người nhạy cảm cao sợ giao tiếp. Nếu bạn thực sự hiểu họ, bạn sẽ thấy được sự ấm áp và khả năng nắm bắt tâm lý người khác của họ. Họ cần thời gian để “bắt nhịp” được với đám đông, không phải bởi vì họ không dám nói ra, mà bởi vì họ không muốn nói ra điều gì khi chưa chắc chắn. Họ muốn mỗi lời họ thốt ra đều không làm người khác tổn thương. Vì vậy, họ có thể quyết định giữ im lặng để lắng nghe người khác nói chuyện. Khi đã lắng nghe đủ nhiều, hiểu phong cách giao tiếp của mọi người xung quanh, họ mới thực sự mở lòng và hoà chung vào không khí của buổi nói chuyện ấy. 


Như người hướng nội, lắng nghe là một đặc quyền và cũng có thể coi là thế mạnh của người nhạy cảm cao. Thay vì phải gưỡng ép để làm người khác vui, thay vì phải nói những điều mình không thoải mái, thì tại sao bạn, những người nhạy cảm, không phát huy khả năng lắng nghe và thấu hiểu của mình. Hãy lắng nghe để hiểu đối phương, sau đó đặt mình vào hoàn cảnh của họ và cuối cùng, thể hiện những suy nghĩ của mình một cách chân thật nhất. Thế giới rất rộng lớn, và không phải ai cũng đủ thời gian để tìm hiểu bạn đang nghĩ gì. Họ vẫn sẽ nghi ngờ, vẫn sẽ phán xét, thậm chí ghét bạn vì bạn là chính bạn. Nhưng thà như thế còn hơn để người khác yêu thương bạn vì bạn đang khoác trên mình một lớp vỏ nguỵ trang hoàn hảo.


Người nhạy cảm cao không phải là người mỏng manh dễ vỡ | Nguồn ảnh: Introvert, Dear


5/ Người nhạy cảm cao rất dễ mềm lòng và yếu đuối


Nói đến hai từ “nhạy cảm" thôi cũng đủ để nhiều người trong chúng ta nghĩ rằng những người có tính cách này thường mỏng manh, dễ vỡ. Thế nhưng, sự thật lại không phải như vậy. 


Như chúng ta đã biết, người nhạy cảm cao họ có một trái tim nhiều tình cảm, vì vậy họ có xu hướng thiên về cảm xúc mỗi khi suy nghĩ hay quyết định một việc gì đó. Họ có thể khóc nhiều hơn những người khác, thậm chí vì những sự việc rất đỗi bình thường. Thế nhưng, điều đó không có nghĩa là họ không mạnh mẽ. Họ không muốn tranh cãi quá nhiều là bởi vì họ không muốn làm người khác bị tổn thương, càng không muốn làm chính bản thân mình tổn thương. Vì khi họ nói ra một điều gì đó mang tính tranh cãi hay phán xét, sự thấu cảm trong họ sẽ trỗi dậy, và họ sẽ lại tự trách bản thân mình tại sao lại hành xử thiếu suy nghĩ như vậy. Chính vì vậy, từng câu họ nói ra, từng hành động họ thể hiện đều thận trọng và thấu đáo. 


Chắc hẳn bạn đang nghĩ chẳng lẽ người nhạy cảm cao cứ mãi như vậy, mãi chịu để người khác làm mình tổn thương hay bị coi là yếu đuối chỉ bởi vì tính cách đặc biệt của mình. Không. Bạn không nên như vậy và cũng không được như vậy. Bạn phải biết cách mềm mỏng đúng lúc và cứng rắn đúng lúc. Như vậy, người đối diện mới thực sự nể phục bạn. Đừng lúc nào cũng rơi nước mắt vì những chuyện không đáng. 

Kết luận


Tính cách nhạy cảm không phải là một căn bệnh tâm lý, nó là món quà quý giá mà tạo hoá đã ban tặng cho bạn. Thẳng thắn mà nói, người nhạy cảm cao chính là một phần không thể thiếu của thế giới này. Nếu thiếu vắng họ, thế giới của chúng ta có lẽ sẽ bao trùm bởi những tổn thương, những luyến tiếc và cả sự vội vàng, hối hả mà bỏ quên những người thân yêu nhất của mình. Vậy nên, nếu bạn là một người nhạy cảm, hãy tự hào về điều đó, hãy để tính cách “độc nhất vô nhị" của bạn có cơ hội được phát triển, hãy nuôi dưỡng tâm hồn nhạy cảm và luôn khao khát được thấu hiểu của mình. Còn nếu bạn có bạn bè hoặc người thân yêu là người nhạy cảm, hãy cố gắng hiểu và trở thành chỗ dựa vững chắc cho họ, đừng để bất kỳ ai, kể cả chính bản thân bạn, làm họ phải chịu bất kỳ một tổn thương nào dù lớn hay nhỏ.


Dịch và biên tập: Ori

Nguồn tham khảo: https://highlysensitiverefuge.com/4-common-ways-highly-sensitive-people-are-misunderstood/

BẢN THẢO
Bài viết liên quan